Bỏ lỡ cơ hội?

Cơ cấu “dân số vàng” tức là dân số có số người đang ở độ tuổi lao động cao hơn những người phụ thuộc. Theo tính toán, cơ cấu “dân số vàng” ở Việt Nam chỉ kéo dài trong khoảng 30 năm (từ năm 2010 - 2040). Thời kỳ “dân số vàng” tạo cho nước ta một “cơ hội vàng” để sử dụng lực lượng lao động trẻ dồi dào phục vụ cho quá trình tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt trong giai đoạn then chốt 2011-2020, khi nước ta đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp và được xếp vào hàng các nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, thời kỳ “dân số vàng” sẽ không tự nhiên và tất yếu mang lại các tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển con người.

Theo kinh nghiệm của các nước đã tận dụng tốt thời kỳ “dân số vàng”, Việt Nam cần ban hành và thực hiện các nhóm chính sách phù hợp về giáo dục và đào tạo; lao động việc làm và nguồn nhân lực; chăm sóc y tế; an sinh và bảo trợ xã hội.

thuthach1.jpg
Việt Nam đang ở trong giai đoạn có cơ cấu “dân số vàng”

Các chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khuyến cáo, thiếu các chính sách phù hợp trên, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội khai thác thời kỳ “dân số vàng” và cơ hội tăng trưởng về mặt dài hạn. Không có chính sách phù hợp về giáo dục - đào tạo, Việt Nam sẽ không thể có lực lượng lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tương tự như vậy, nếu không có chính sách phù hợp về chăm sóc y tế thì các nhu cầu cao về sức khỏe sinh sản của bộ phận lớn dân cư trong độ tuổi sinh đẻ sẽ không được đáp ứng. Dẫn đến hậu quả là các vấn đề sức khỏe sinh sản như: có thai ngoài ý muốn, tỷ lệ nạo phá thai cao, tỷ lệ nhiễm khuẩn đường sinh sản và đường tình dục cao.

Nếu không có chính sách về an sinh và bảo trợ xã hội, Việt Nam sẽ khó có thể đối phó được với vấn đề “già hóa dân số”. Bởi nếu như lực lượng lao động dồi dào ở giai đoạn này không làm ra khối lượng của cải vật chất đủ để nuôi sống chính lực lượng này, giá trị tích luỹ không có, hoặc thấp, Nhà nước sẽ không đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho phúc lợi xã hội khi “số này già đi”.

Theo các chuyên gia, mặc dù Việt Nam đang ở trong giai đoạn có cơ cấu “dân số vàng”, nhưng nếu không có môi trường chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ dễ bỏ lỡ thời cơ tăng trưởng cao.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình, việc thu thập, phân tích số liệu giúp chúng ta đưa ra chính sách, chiến lược phù hợp nhất trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Cơ cấu “dân số vàng” là cơ hội ngàn năm có một đối với bất cứ một cộng đồng, một dân tộc nào vì dân số trong độ tuổi lao động giai đoạn này đạt cao nhất. Tuy nhiên, nó cũng trở thành thách thức nếu lao động của chúng ta chỉ là lao động giản đơn, phổ thông. Nếu như trong giai đoạn này, chúng ta nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực thông qua nâng cao sức khỏe, phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chúng ta có thể “đi tắt, đón đầu”.

Thực hiện "đào tạo khớp nối"

Tiến sĩ Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong thời kỳ “dân số vàng”, sự chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành, giữa các vùng lãnh thổ diễn ra mạnh mẽ. Lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp giảm nhanh. Để phục vụ cho sự chuyển dịch cơ cấu lao động này, việc đào tạo lao động không chỉ là đào tạo kiến thức mà là đào tạo tổng thể hỗ trợ cho chuyển dịch, "đào tạo khớp nối". Người lao động được đào tạo từ kiến thức đến kỹ năng, tác phong công nghiệp… để thích ứng với việc chuyển đổi từ việc làm gắn với nông thôn, gắn với nông nghiệp, sang việc làm gắn với công nghiệp, gắn với dịch vụ; chuyển từ ngành nghề có giá trị gia tăng thấp, hàm lượng kỹ thuật thấp sang ngành nghề có giá trị gia tăng cao, hàm lượng kỹ thuật cao.

Lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ

GS. TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phân tích, cơ cấu “dân số vàng” là thành quả đạt được khi nước ta thực hiện tốt vấn đề dân số kế hoạch hóa gia đình. Từ một nước có tổng tỉ suất sinh cao, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ những năm 1969 -1974 là 6,1 đã giảm xuống còn 2,03 con năm 2009; số người phụ thuộc giảm từ trên 89% năm 1979 xuống còn hơn 46% năm 2009. Khi giảm tỉ lệ sinh, chúng ta có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường sức khỏe cho trẻ. Vì mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên con trai, con gái đều được quan tâm chăm sóc, đều có cơ hội được cắp sách tới trường, làm cho tiến bộ về bình đẳng giới ở Việt Nam được cải thiện đáng kể.

Lao động trẻ tăng, Việt Nam có thị trường lao động rộng lớn, phong phú nếu chúng ta mở rộng việc làm, nâng cao chất lượng giáo dục sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Đình Cử cho rằng, cần giáo dục cho mọi người phương châm lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Tuổi trẻ phải thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, sinh ít con. Khi còn trẻ tích cực học tập, lao động, không dính vào tệ nạn xã hội, đảm bảo sức khỏe và có tích lũy khi về già, để có thể tự chăm sóc bản thân, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội.

Về phía Chính phủ cũng cần xây dựng chính sách an sinh xã hội thật tốt, tạo điều kiện để người dân, nhất là nông dân, mua bảo hiểm xã hội. Quỹ bảo hiểm xã hội do người dân đóng góp một phần, Nhà nước đóng góp một phần, ngoài ra còn huy động thêm sự đóng góp của các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước. Hình thành quỹ an sinh xã hội, đặc biệt cho những người già, người chưa có lương hưu ở khu vực nông thôn.

Có chiến lược quản lý và phát triển nguồn nhân lực phù hợp

Bà Nguyễn Hồng Thuận, Viện Khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, Viện này đang tiến hành xây dựng quy hoạch để đề ra chiến lược quản lý và phát triển nguồn nhân lực, trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, phát triển việc làm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và xuất khẩu lao động. Từ chiến lược chung ấy sẽ có giải pháp cụ thể cho từng địa phương, từng cơ sở, từng vùng, miền, từng khu vực cho thích hợp.

Trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, lực lượng lao động trẻ không ngừng tăng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành giáo dục là từ nay đến năm 2020, số lao động qua đào tạo phải tăng gấp đôi hiện nay. Với điều kiện vật chất như hiện tại thì đây quả là một thách thức, một sức ép đối với ngành giáo dục.

Tăng chế độ đãi ngộ đối với cộng tác viên dân số

Ông Văn Tất Phẩm, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Hà Nam cho rằng, để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình và giảm chênh lệch giới tính khi sinh. Làm được điều này, đội ngũ cộng tác viên dân số có vai trò quan trọng. Đội ngũ này là những người nhiệt tình, có trách nhiệm và tâm huyết với xã hội, với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, chính sách đãi ngộ với họ hiện nay quá thấp. Để tạo điều kiện và động viên họ đóng góp tốt hơn, cần nâng chế độ đãi ngộ, làm sao để công sức họ bỏ ra được bù đắp tương xứng. Như thế họ mới yên tâm công tác lâu dài./.