Một mùa xuân nữa lại về trên vùng đất Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nơi ấy, với nghị lực phi thường và niềm tin tươi sáng, miền đất khó phía bắc Đèo Ngang đang hồi sinh từng ngày sau gần nửa năm siêu bão số 10 tràn qua, càn quét.

Nơi ấy, trong ánh mắt người dân, từ cụ già đến em nhỏ đều toát lên niềm lạc quan vô hạn trong sắc xuân phơi phới đang về.

bao_1_vov_iyvw.jpg
Cảnh hoang tàn sau siêu bão số 10 càn quét Hà Tĩnh

Cùng với huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do cơn bão số 10 năm 2017.

Sau nhiều giờ đồng hồ quần thảo, cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Kỳ Anh trong vòng 30 năm qua đã cuốn phăng mọi thứ trên đường nó đi qua.

Hầu hết nhà dân, trường học đều bị tốc mái, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị hư hại hoàn toàn. Ít ai tin rằng, người dân Kỳ Anh lại có thể gượng dậy sau trận cuồng phong ấy. Nhưng không, trong nỗi đau của mất mát, hoang tàn là khát vọng sống, khát vọng vươn lên lớn hơn bao giờ hết…

Hôm nay, Kỳ Anh đón chúng tôi bằng những ngôi nhà vừa lợp lại mái ngói, những con đường cứng hóa bê tông.

Gần nửa năm trôi qua không phải là thời gian dài, nhưng cũng đủ cho gia đình chị Trần Thị Mại và người dân xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

“Sau khi bão đi qua, được Nhà nước quan tâm, nên cuộc sống của người dân được hồi phục nhanh. Dân chúng tôi rất nô nức. Người dân chúng tôi rất cảm ơn. Trong sự khó khăn đấy, người dân chúng tôi đã đứng dậy khắc phục hậu quả. Đến nay thật sự đã bình an. Hầu hết các nhà tốc mái đều được sửa chữa lại, nên sớm ổn định”, chị Mại tâm sự.

Bao đời nay vẫn thế, Kỳ Anh luôn được biết đến là vùng đất cằn phía nam Hà Tĩnh. Nắng rát người và mưa bão quanh năm. Thiên nhiên khắc nghiệt như càng tôi rèn thêm tinh thần vượt khó, “tối lửa tắt đèn có nhau” của những con người nơi đây.

Những ngôi nhà ở vùng tâm bão Kỳ Anh

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, dù thiệt hại nặng nề từ trận bão lịch sử, nhưng bằng sự sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng, chính quyền các cấp, người dân vùng tâm bão đã nhanh chóng khắc phục thiệt hại.

Giữa ngổn ngang, bộn bề khó khăn nhiều thầy cô giáo, những người lính công binh đã gác lại việc nhà để lau dọn trường học, công sở, giúp đỡ nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Thủy nói:“Chúng tôi xác định biến cái thách thức thành hành động, cơ hội để ổn định, phát triển theo hướng bền vững. Vì vậy, cho nên chúng tôi đã tập trung khắc phục hạ tầng cơ sở, đặc biệt là 73 ngôi nhà bị sập hoàn toàn".

Siêu bão đi qua, một mùa xuân mới lại về Hoành Sơn, Vũng Áng, với người dân Kỳ Hà, Kỳ Lợi, Kỳ Khang… Dẫu còn đó những khó khăn, thiếu thốn sau một năm “mưa không thuận gió không hoà”, nhưng năm hết, Tết đến ai cũng vui mừng, hi vọng.

Tất bật sau nhiều ngày cùng ngư dân trong làng ra khơi bám biển, ông Nguyễn Khắc Huế, ở thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh kể cho chúng tôi nghe về mảnh đất, truyền thống dân làng kiên trung, vượt khó.

Những chuyến đi biển, tôm cá đầy khoang không chỉ giúp nhiều gia đình sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống sau bão, mà còn dành dụm phần nào lúc tàu thuyền không thể ra khơi.

Cuộc sống hồi sinh, Tết đến, xuân về, nhà nhà ai cũng có mâm cỗ, có gà, có thịt, có niềm vui từ sự sẻ chia của cộng đồng.

“Nhân dân xã Kỳ Khang nói chung đã đi vào cuộc sống ổn định. Đến thời điểm này, dù còn có khó khăn do cơn bão số 10 như vậy, nhưng năm hết Tết đến nhân dân cũng sắm tương đối đầy đủ để ăn Tết cổ truyền của dân tộc. Riêng gia đình tôi cũng chuẩn bị dăm bảy đôi bánh chưng, vài cân thịt, rồi cây đào cây quất trong nhà để đón Tết cổ truyền. Hy vọng năm mới tiến triển hơn, may mắn hơn”, ông Khắc Huế nói.

Người dân Kỳ Anh sửa sang lại nhà cửa chuẩn bị đón Tết

Hoà vào xuân biên cương, mùa xuân vùng bãi ngang miền biển Kỳ Anh, trong những căn nhà, ngõ xóm, luôn có màu xanh áo lính của những chiến sĩ biên phòng. Các anh chính là con của biển làng, đêm thức cho dân ngủ, ngày hướng dẫn bà con thâm canh sản xuất, dạy cho các em học…

Là người con quê hương Nghệ An, Thiếu tá Hoàng Xuân Kỳ, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kỳ Khang, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nhớ như in mọi tên đất, tên làng.

Với anh và các chiến sĩ biên phòng dù luôn phải chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, nhưng vẫn tổ chức vui xuân, đón Tết cùng đồng bào trong niềm vui đoàn kết quân dân.

Chia tay Kỳ Anh, khi tia nắng nhạt một ngày đầu xuân khuất dần sau đỉnh Hoành Sơn. Hoành Sơn sừng sững và bao dung, tựa như vòng tay mẹ ôm trọn những bản làng. Đất và người Kỳ Anh bao đời nay vẫn thế - kiên trung, vượt khó như ngàn năm của núi./.