Đường cao tốc còn nhiều bất cập
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, nét nổi bật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay là sự phát triển rất rõ nét của hệ thống hạ tầng giao thông của đất nước.
Nếu trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cả nước chỉ có khoảng 1.000km cao tốc, thì với nỗ lực của Chính phủ, của Quốc hội và của cả hệ thống chính trị, đến nay chúng ta đã có hơn 1.800km đường cao tốc. Và mục tiêu từ nay đến năm 2025 cả nước có thêm 3.000km cao tốc là hoàn toàn khả thi.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, sự phát triển của hệ thống cao tốc tạo xung lực rất mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội; giúp kết nối giữa các vùng miền chặt chẽ hơn, nhanh hơn, thúc đẩy giao lưu văn hóa, du lịch giúp việc doanh nghiệp tiết kiệm chi phí…
Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh các tuyến cao tốc cũng đặt ra không ít thách thức. Đó là sự gia tăng đáng lo ngại của các vụ tai nạn giao thông, việc quản lý các tuyến cao tốc như thế nào vừa đảm bảo an toàn, vừa phục vụ tốt cho sự phát triển xã hội…
Đánh giá cao việc Kênh VOV Giao thông Quốc gia tổ chức hội thảo “An toàn giao thông trên đường cao tốc”, là kịp thời, bám sát hơi thở của cuộc sống, ông Phạm Mạnh Hùng khẳng định, việc gia tăng tai nạn giao thông trong thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân và không có vấn đề gì là không có giải pháp nếu có sự bàn bạc và phát huy được trí tuệ của toàn xã hội.
"Hội thảo lần này sẽ là một trong những kênh cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước giải pháp làm sao vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa đảm bảo sử dụng khai thác hiệu quả công trình giao thông vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Tôi hy vọng rằng, hội thảo với sự tham gia của rất nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu rất có uy tín, với sự tham dự rất nhiều phóng viên, biên tập viên báo chí, trong đó chủ lực là Kênh VOVGT, chúng ta sẽ đưa được những thông tin hữu ích đến công chúng và đến các nhà quản lý", ông Phạm Mạnh Hùng nêu rõ.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, ông Đặng Văn Chung- Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước có 313km đường cao tốc phân kỳ quy mô 2 làn xe, 435km đường cao tốc quy mô 4 làn xe hạn chế.
Các cao tốc phân kỳ đầu tư 2 làn xe đang khai thác, quy mô kỹ thuật cấp III đồng bằng, làn đường xe chạy rộng 3,5m, không có làn dừng đỗ khẩn cấp hoặc có nhưng không đủ chiều rộng cho xe dừng đỗ, chưa có trạm dừng nghỉ.
Cao tốc 4 làn xe hạn chế có quy mô kỹ thuật cấp I hoặc cấp II đồng bằng, không có làn dừng đỗ khẩn cấp liên tục hoặc có nhưng không đủ chiều rộng cho xe dừng đỗ, chưa có trạm dừng nghỉ.
Từ khi đưa vào khai thác, cao tốc đã bộc lộ nhiều bất cập, như tốc độ xe chạy dưới tốc độ tối thiểu, ùn tắc giao thông, không có làn vượt hoặc khoảng cách giữa các đoạn cho phép vượt cách xa nhau, xảy ra nhiều vụ TNGT do vượt ẩu, xe dừng đỗ khẩn cấp chiếm một phần làn đường xe chạy…
Theo ông Đặng Văn Chung, việc nâng cấp hoàn chỉnh ngay trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Bởi, theo tính toán sơ bộ, để nâng cấp các đoạn đường cao tốc đầu tư phân kỳ 2 làn xe đạt quy mô 4 làn hoàn chỉnh cần bổ sung số vốn 50.837 tỷ đồng. Tương tự, việc nâng cấp các đoạn cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế theo quy mô quy hoạch, cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc, ông Đặng Văn Chung kiến nghị, cần thay đổi lại phương án tổ chức giao thông và khai thác tương ứng với cấp kỹ thuật của đường. Như, cấm xe thường xuyên đi dưới tốc độ tối thiểu cho phép, mở rộng làn dừng, đỗ khẩn cấp theo tiêu chuẩn hoặc tăng cường mật độ và kéo làn dừng, đỗ khẩn cấp, xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy hoạch, tăng cường tuyên truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và đặc biệt là ứng dụng quản lý giao thông thông minh.
"Đầu tư triển khai hệ thống giao thông ITS để kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu thông; đầu tư lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động. Việc đưa cân tự động rất có tác dụng, vì khi có cân tự động thì các xe sẽ biết đi vào đường này sẽ bị cấm. Xe tải mà biết có cân tự động, và camera của cảnh sát giao thông thì không ai dám vi phạm", ông Đặng Văn Chung cho hay.
Quyết liệt xử lý vi phạm
Nhìn nhận vấn nạn tai nạn giao thông trên cao tốc từ Trung Quốc, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Trường Đại học Việt Đức cho biết, trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, Trung Quốc có 85.000 km cao tốc nhưng chỉ chiếm 2,1% tổng mạng lưới đường bộ. Giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020, Trung Quốc có 161.000 km đường cao tốc. Hệ thống cao tốc chiếm 30% tổng lượng vận chuyển hành khách và hàng hoá. Tai nạn giao thông cao tốc chiếm khoảng 10% tổng số tai nạn giao thông đường bộ và có xu hướng tăng.
Để giảm tai nạn giao thông, Trung Quốc đã thực hiện các giải pháp như: Tuyên truyền, giáo dục cho người dân và người lái xe; xây dựng, nâng cấp bổ sung trang thiết bị như: rào chắn, biển chỉ dẫn; Ứng dụng CNTT trong công tác tuần tra giám sát, xử phạt đối với các hành vi nguy hiểm, tăng cường tuần tra phát hiện và xử lý vi phạm:
"Để đạt được mức độ tuân thủ cao nhất và cơ chế cấp phép lái xe hiệu quả. Khi anh vi phạm thì sẽ trừ điểm. Và trừ hết điểm hết rồi thì bằng của anh bị tước. Nếu doanh nghiệp vận tải mà gây ra một vụ tai nạn thương vong, chết rất nhiều hành khách thì doanh nghiệp đó có thể sạt nghiệp. Như ở Nhật Bản và ở châu Âu là doanh nghiệp đó sẽ bị tuyên bố phá sản. Bởi vì sẽ không ai sử dụng dịch vụ của mình nữa. Sự khắc nghiệt đó rất cần thiết để tất cả doanh nghiệp phải có trách nhiệm chia sẻ vấn đề nâng cao an toàn giao thông, chứ không phải trông chờ vào mỗi cảnh sát giao thông", ông Vũ Anh Tuấn chỉ rõ.