Tại huyện Phù Yên, tính đến hết tháng 10, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 43 bản, hơn 360 hộ nuôi ở 12 xã, thị trấn của huyện; tổng số lợn chết, hoặc mắc bệnh phải tiêu hủy là hơn 1.400 con, tổng trọng lượng trên 75 tấn.
Để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan, phát sinh trên địa bàn, huyện đã tiến hành cấp hơn 700 lít hóa chất khử trùng, gần 11 tấn vôi bột để rắc tại các vị trí có nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh, các khu vực chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi...
Cùng với đó, chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở bám nắm địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng dịch, tiêu hủy đúng cách đối với lợn chết. Đồng thời, thành lập 9 chốt kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn từ địa phương khác vào huyện…
Theo ông Lừ Văn Trường, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La, bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị, cũng như vaccine phòng ngừa. Do vậy, biện pháp phòng bệnh vẫn là quan trọng nhất.
Đối với các hộ chăn nuôi chưa bị nhiễm bệnh, hoặc những vùng chưa có dịch, khuyến cáo bà con áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, như tiến hành phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi chuồng trại chăn nuôi, thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch, bao gồm: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt và không vứt lợn chết ra môi trường.
Những hộ chăn nuôi khi phát hiện có lợn bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và ngành chức năng biết để có biện pháp xử lý kịp thời; Các hộ đủ điều kiện tái đàn, ngoài chú ý vệ sinh chuồng trại thì cần mua con giống đảm bảo rõ nguồn gốc, tránh mang theo mầm bệnh, khiến dịch có thể bùng phát trở lại.
Cũng theo ông Trường, dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh, lũy kế đến nay là hơn 2.200 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy; tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là trên 120.000 kg/.