Do ảnh hưởng của bão số 12, trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ có mưa to đến rất to. Các thủy điện xả lũ, nước sông dâng cao gây ngập nặng nhiều khu dân cư. Trong đêm qua, các địa phương sơ tán hàng nghìn hộ dân đi tránh lũ. Đến sáng nay (11/11), lũ trên các sông ở các tỉnh Nam Trung bộ đạt đỉnh, một số nơi đang rút chậm. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả lụt bão.

Bão số 12 làm gần 300 nhà dân ở tỉnh Khánh Hòa bị hư hại, tốc mái, các địa phương đang hỗ trợ dân dựng lại nhà hư hỏng. Sáng nay, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng bãi bỏ lệnh cấm biển để người dân ổn định sinh hoạt, sản xuất sau bão. Riêng hơn 6.000 người di dời tránh bão, các địa phương tiếp tục theo dõi sạt lở, khi tạnh ráo thì người dân mới quay trở về nhà.

Mưa lớn phía thượng nguồn làm mực nước các sông ở phía Bắc tỉnh Khánh Hòa dâng nhanh, một số hồ thủy lợi xả lũ, gây ngập sâu vùng hạ du. Đến sáng nay, mực nước trên các sông đã rút, riêng số khu vực thành phố Nha Trang vẫn còn ngập. Điện lực Khánh Hòa đã cơ bản khắc phục xong các sự cố điện, đảm bảo việc cung cấp điện cho người dân.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đảm bảo an toàn cho học sinh, các trường học tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và các xã ven sông Cái ở thành phố Nha Trang tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Ông Trương Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang cho biết, cơ bản là bà con đã chuẩn bị tinh thần ứng phó rồi. Riêng các trường học nằm ở vị trí thấp hiện nay nước vào đọng bùn non, học sinh các trường vẫn nghỉ học. Cho lực lượng dân quân hỗ trợ các trường dọn bùn non.

Tại tỉnh Phú Yên mưa bão đã làm 1 người mất tích, 2 người bị thương; hơn 60 nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái; một số công trình tường rào của nhà dân và trường học, nhà văn hóa bị ngã đổ; 2 tàu cá bị chìm và lũ cuốn trôi, mất tích. Mưa lũ làm hơn 20.000 nhà dân ở các huyện Tuy An, Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu bị ngập nặng từ 0,5 mét đến 2 mét, trong đó huyện Tuy An bị ngập nặng. Nước lũ tràn qua Quốc lộ 19C, trong đó đoạn qua xã Xuân Long và thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân ngập sâu từ 1,5 đến gần 2 mét, gây ách tắc giao thông.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, trong đêm qua và sáng nay, toàn tỉnh đã sơ tán 14.000 người dân đi tránh lũ đến nơi an toàn. Hiện nước bắt đầu rút, tỉnh huy động các lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả.

“Đối với những vùng rút được, bố trí lực lượng quân đội với công an ra tăng cường dọn dẹp vệ sinh các trường học, trạm xá ưu tiên làm trước và tăng cường máy nổ để cứu chữa bệnh, bởi vì không có hệ thống điện ở đó được. Huy động công ty môi trường đô thị phối hợp với người dân dọn dẹp vệ sinh, xử lý môi trường. Ngành y tế cung cấp thuốc xử lý nước, lọc nước đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân”, ông Thế cho biết thêm.

Đến sáng 11/11, tại tỉnh Bình Định trời đã hết mưa, có hửng nắng nhưng nước lũ rút chậm. Hiện, một số tuyến đường nằm ở phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn vẫn còn ngập sâu trong nước lũ, các phương tiện chưa thể lưu thông qua lại. Theo đó, trên đường Hùng Vương và nhiều đoạn trên Quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn thành phố Quy Nhơn vẫn còn ngập sâu từ 0,5-1 mét, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Trong sáng nay, người dân và công nhân đi làm ở thành phố Quy Nhơn không thể trở về nhà do nước dâng cao. Bà con muốn đi qua điểm ngập nước phải đi lên đường ray tàu lửa để qua đoạn ngập sâu. Theo lãnh đạo thành phố Quy Nhơn, đến nay nước lũ khiến 500 nhà dân ở 2 phường Nhơn Bình và Nhơn Phú bị ngập nước.

Từ đêm qua đến sáng nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to. Tại huyện miền núi Sơn Tây tối qua xuất hiện hiện tượng sạt lở núi. 2 người dân trên đường đi lên Kon Tum và ngang qua địa bàn thôn Ra Pân, xã Sơn Long bị đất đá trên núi đổ xuống đã bỏ lại xe máy chạy thoát nạn.

Ông Võ Quốc Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lũ Quảng Ngãi trên các sông đều vượt báo động 3 từ 0,5 đến 1 mét.

“Quảng Ngãi cũng đã ngớt mưa rồi. Người dân ai cũng có ý thức. Mưa lũ vừa qua khiến dân không ai lơ là nữa. Mưa là họ tự động đi tránh. Các huyện lúc nào cũng thường trực để di dời người dân”, ông Hùng nói.

Mưa lớn trong 2 ngày qua tiếp tục gây sạt lở đất tại nhiều khu vực các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Huyện Phú Ninh đã di dời 54 hộ dân vùng có nguy cơ cao. Huyện Nam Trà My đã sơ tán khẩn cấp hơn 1.600 hộ dân với 5.000 nhân khẩu ở vùng nguy cơ lở núi thuộc 10 xã trên địa bàn huyện đến nơi an toàn trú tránh.

Ông Hồ Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương sơ tán hơn 100 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn./.