Sau nhiều năm tạm lắng, đến năm 2023, số ca mắc sốt rét tại tỉnh Khánh Hòa tăng đột biến với hơn 190 ca. Từ đầu năm đến nay, ghi nhận 89 người mắc sốt rét, tập trung tại huyện Khánh Vĩnh. Các xã ghi nhận nhiều người mắc sốt rét là Khánh Phú, Khánh Thượng, Khánh Đông. Người mắc sốt rét chủ yếu là những người đi làm rừng, ngủ lại ở rẫy và không chú ý đến việc mắc màn chống muỗi.

Số ca mắc sốt rét tăng vì mầm bệnh đang tồn tại trong rừng, trong khi cuộc sống của người dân lại gắn liền với rừng rẫy nên rất khó cắt nguồn lây. Mặc dù đã thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức nhưng người dân vẫn chủ quan, không tuân thủ tốt các biện pháp phòng bệnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã thành lập các đội cơ động xử lý sốt rét về tận các thôn, xã ở huyện Khánh Vĩnh để tuyên truyền cách phòng lây bệnh sốt rét; Phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, phối hợp cấp phát màn đã tẩm hóa chất cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Y tế, UBND huyện Khánh Vĩnh và các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp phòng chống sốt rét, hạn chế dịch bệnh lây lan, đặc biệt là đối với công nhân đang thực hiện các dự án trên địa bàn.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Chương trình phòng chống sốt rét Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2030 phải loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi toàn quốc, từ năm 2027 không phát sinh ca sốt rét. Trong khi đó, sốt rét lại đang tăng cao tại huyện Khánh Vĩnh, số ca mắc tại đây chiếm hơn 50% số ca mắc sốt rét toàn quốc. 

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị: "Đối với huyện Khánh Vĩnh, bổng dưng năm 2023 và đầu năm 2024, số ca sốt rét tăng rất cao. Tỉnh đã có chỉ đạo, ngành y tế đã có chỉ đạo, Bộ Y tế đã có chỉ đạo, đề nghị UBND huyện Khánh Vĩnh hết sức tập trung phòng chống sốt rét. Nếu chúng ta không khéo, không có phương án phòng chống tốt, công nhân đang thi công trên địa bàn sẽ bị lây. Bởi vì muỗi anophen mang mầm bệnh, ký sinh trùng sốt rét, chích vào người nào thì người đó bị lây bệnh".