TS Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là vị Bộ trưởng đầu tiên tham gia chương trình “Đối thoại với Bộ trưởng” phát sóng trực tiếp trong chương trình thời sự 12h ngày 3/9 trên VOV1, Đài TNVN. Rất nhiều câu hỏi về những vấn đề “nóng” của khoa học - công nghệ từ thính giả đặt ra cho Bộ trưởng.

Nhà khoa học phải có niềm đam mê

Với câu hỏi, ông nhìn nhận như thế nào về đội ngũ trí thức hiện nay, TS Nguyễn Quân khẳng định, trí thức ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Trí thức của nước ta đã được rèn luyện và trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc, cùng với nhân dân cả nước có đóng góp quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, Việt Nam có những nhà khoa học hàng đầu được thế giới biết đến như GS Trần Đại Nghĩa, GS Tôn Thất Tùng. Thế nhưng, trong giai đoạn hiện nay, dường như chúng ta đang thiếu những cây “đại thụ” như vậy. Lý giải về điều này, theo Bộ trưởng, một phần là vì ngày nay, người ta có xu hướng làm việc theo nhóm. Công trình khoa học là thành quả nghiên cứu của cả một nhóm, một tập thể. Một phần là do các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang thiếu niềm đam mê. Đam mê được khám phá, được cống hiến là một tố chất quan trọng không thể thiếu đối với những nhà khoa học chân chính. Nhiều nhà khoa học đã dành cả cuộc đời theo đuổi một mục tiêu, một sản phẩm khoa học mà họ thấy cần cho đất nước mà không đòi hỏi sự thiệt hơn.

doi-thoai-nguyen-quan-trong.jpg

Trả lời câu hỏi của một thính giả về tình trạng “chảy máu chất xám” trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận: Việc phân luồng sinh viên sau tốt nghiệp cũng như phân bố lại đội ngũ cán bộ KH&CN đang gặp thách thức nghiêm trọng. Giới trẻ hiện nay có nhiều cơ hội lựa chọn. Ngay khi bước chân vào đại học, họ đã lựa chọn những ngành học đảm bảo cho tương lai. Sau khi tốt nghiệp, họ lại lựa chọn làm việc ở những lĩnh vực có thu nhập cao… Chính vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút người tài vào làm việc trong lĩnh vực KH&CN.

Để giữ được nguồn chất xám, ngoài việc tuyên truyền về lòng yêu nước và trách nhiệm đối với xã hội, chúng ta phải có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học để họ có thể sáng tạo và cống hiến.

Khoa học phải phục vụ cuộc sống

Chương trình “Đối thoại với Bộ trưởng” số đầu tiên phát sóng vào 12h ngày 3/9 nhận được rất nhiều câu hỏi của thính giả quan tâm đến vấn đề: lâu nay có nhiều dự án nghiên cứu khoa học sau khi được nghiệm thu bị cất trong ngăn kéo, do không bám sát thực tiễn. Trên cương vị bộ trưởng mới, ông sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, Bộ KH&CN đang từng bước thay đổi hiện trạng này bằng cách tăng cường những đề tài nghiên cứu khoa học do Nhà nước hay xã hội đặt hàng. Với những đề tài được đặt hàng khi nghiên cứu thành công thì sẽ có địa chỉ ứng dụng cụ thể. Còn với những nhà khoa học có những công trình nghiên cứu không phải từ đơn đặt hàng, Bộ sẽ yêu cầu các nhà khoa học khi đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu phải chỉ rõ khi hoàn thành đề tài sẽ áp dụng vào những địa chỉ cụ thể nào, kết quả thu được khi áp dụng ra sao?

Với những đề tài khoa học ứng dụng, Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành sẽ xây dựng cơ chế yêu cầu đề tài hoàn thành phải đúng với đơn đặt hàng của DN hoặc của Nhà nước thì mới được đánh giá và nghiệm thu. Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ, có những đề tài khoa học không thể ứng dụng ngay được, đó là những đề tài nghiên cứu cơ bản, hay những đề tài nghiên cứu có tính chất đi trước.

Đầu tư cho nghiên cứu khoa học

Một vấn đề được quan tâm nữa là đầu tư cho KH&CN. Nhiều thính giả cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực KH&CN hiện còn dàn trải, và chưa thu hút được nguồn lực từ các doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc Nhà nước chi 2% tổng chi ngân sách cho phát triển KH&CN là một sự cố gắng lớn. Đây là mức chi cao so với các nước trong khu vực và với cả các nước đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, nguồn chi 2% này không phải dành cả cho nghiên cứu khoa học mà bao gồm cả kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí sự nghiệp khoa học (dành một phần lớn để trả lương và duy trì bộ máy của các cơ quan nghiên cứu). Phần kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu chỉ chiếm trên dưới 10% của 2% này.

Như vậy, đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn quá thấp, hơn nữa chúng ta mới huy động được nguồn đầu tư của Nhà nước mà chưa huy động được đầu tư của xã hội cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Mặc dù, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định, doanh nghiệp có thể trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KH&CN.

Có thể nghĩa là không bắt buộc, vì vậy có doanh nghiệp trích, có doanh nghiệp không. Thêm nữa, doanh nghiệp nước ta phần lớn là DN vừa và nhỏ. 10% lợi nhuận trước thuế chỉ là vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, không đủ để làm dự án đổi mới công nghệ, hoặc những dự án nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm của DN. Trong khi đó, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước chưa thực sự quan tâm đầu tư cho KH&CN.

Thời gian tới, Bộ sẽ đưa ra những giải pháp để huy động vốn đầu tư từ xã hội, nhất là từ các DN cho nghiên cứu KH&CN.

Chương trình “Đối thoại với Bộ trưởng” đầu tiên đã kết thúc mà chuông điện thoại vẫn gọi về dồn dập. Chương trình kết thúc trong sự nuối tiếc của những thính giả chưa được trò chuyện với Bộ trưởng. Trong suốt thời gian diễn ra chương trình, thính giả luôn bày tỏ hy vọng, trên cương vị bộ trưởng, TS Nguyễn Quân sẽ góp phần đưa nền KH&CN nước nhà phát triển./.