Gia Lai cắt tỉa cây xanh, nạo vét kênh mương trước khi bão số 4 đổ bộ

PV Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên đưa tin, tỉnh Gia Lai đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với cơn bão số 4. Một trong những nhiệm vụ thiết thực được thành phố Pleiku triển khai đó là nạo vét kênh mương, cắt tỉa cây xanh trong khu đô thị nhằm tránh ngập úng cục và cây đổ ngã khi gặp bão. 

Để kịp thời ứng phó với cơn bão số 4 đổ bộ, trong những ngày qua và cho đến chiều nay 27/9,  Phòng Quản lý đô thị thành phố Pleiku phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị thành phố Pleiku triển khai cắt tỉa hàng trăm cây xanh các loại, như xà cừ, bằng lăng, và những cây khác có tán rộng, cành vươn, tại đường Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Phan Bội Châu.

Cùng với đó, các đơn vị tổ chức nạo vét hàng loạt kênh mương, khơi thông các dòng chảy ở các suối  trên địa bàn thành phố. Ông Đỗ Việt Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cho biết, đây là các phần việc cấp bách nhằm chống ngập cục bộ và cây đổ ngã do bão, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

“Thành phố chỉ đạo cho các xã, phường, rà soát, nạo vét, khơi thông cống rãnh để đáp ứng được lưu lượng mưa và tiêu thoát nước tránh gây ngập úng. Thứ hai là Theo nhận định, cơn bão này có sức gió rất lớn, có thể giật mạnh, ngã đổ cây cối, có thể ảnh hưởng tới nhà ở của người dân. Thành phố cũng đã giao cho Phòng Quản lý đô thị phối hợp với công ty công trình đô thị rà soát chủ động cắt tỉa, tránh trường hợp cây xanh ngã đổ cũng như hướng dẫn cho bà con trong việc giằng chống các công trình xây dựng”- ông Hưng nói.

Đà Nẵng trao 1.600 áo phao, túi sơ cứu, túi hàng tặng người dân ven biển

PV Tuyết Lê/VOV- Miền Trung cho biết, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng vừa trao 500 túi sơ cấp cứu và 1.000 áo phao cứu sinh đa năng tặng ngư dân hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, với tổng trị giá 1 tỷ 300 triệu đồng.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ còn hỗ trợ 100 túi hàng gia đình và sữa tặng trẻ em nghèo, người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn và các Trung tâm bảo trợ xã hội ở thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Chủ tịch Hội thập đỏ thành phố Đà Nẵng cho biết: ứng phó với bão số 4, hơn 500 tình nguyện viên về phòng ngừa ứng phó thảm hoạ thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố sẵn sàng hỗ trợ bà con di tản, tham gia chằng chống nhà cửa, cứu trợ khẩn cấp khi xảy ra bão, sẵn sàng 50 điểm sơ cấp cứu toàn thành phố tham gia hỗ trợ người dân nếu có tai nạn thương tích trước, trong và sau bão.

 “Chúng tôi đã tập trung trao túi sơ cấp cứu hàng gia đình cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn góp phần nhỏ bẻ của mình cùng với cộng đồng sẵn sàng ứng phó với bão số 4, giảm thiểu nguy cơ tác động cho cộng đồng, tăng cường cho cộng đồng có thể tự ứng phó trong tình hình diễn biến phức tạp của bão”- ông Lâm nói.

Bình Định kiên quyết cưỡng chế nếu dân không chịu di dời

PV Thành Long/VOV-Miền Trung thông tin, cả ngày hôm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định chia làm nhiều Đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão số 4.

Theo kế hoạch, tỉnh tổ chức di dời khoảng 14.000 hộ dân với gần 60.000 người đến nơi an toàn. Do chưa có sóng to gió lớn nên người dân có phần chủ quan. Hiện các tổ trưởng dân phố đã đến từng gia đình vận động người dân di dời đến nơi an toàn.

Hiện, tỉnh Bình Định cũng đã huy động hơn 42.000 người tham gia lực lượng xung kích chống bão; trong đó hơn 1.000 bộ đội, hơn 1.600 chiến sĩ công an và hơn 8.800 người thuộc lực lượng xung kích các địa phương. Ngoài ra, tỉnh Bình Định huy động 3 xe thiết giáp, hơn 500 xuồng, ca nô, xe chuyên dùng tham gia công tác ứng phó trước, trong và sau bão. Tỉnh Bình Định dự trữ hơn 2 triệu gói mỳ ăn liền, 1,5 tấn lương khô cùng nước uống, thuốc khử trùng nguồn nước sẵn sàng hỗ trợ dân sau bão, lũ.

Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định cho biết: “Lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức cơ động ra phía Hoài Nhơn để giúp nhân dân chằng chống và ứng cứu khắc phục sau mưa lũ. Hiện nay chúng tôi đã cơ động về Hoài Hải 2 tàu xuồng, tại Bồng Sơn sẵn sàng cơ động cho các hướng 3 tàu xuồng. Và lực lượng đến giờ đã cơ động 70 đồng chí phối hợp với lực lượng dân quân phường xã, thị trấn cũng như huyện thì có thể cơ động giúp nhân dân chèn chống rồi tiếp tục khắc phục hậu quả”.

Lực lượng vũ trang giúp dân ứng phó bão số 4

PV Lê Hiếu/VOV-Miền Trung cho biết, các lực lượng Công an, Quân đội tỉnh Thừa Thiên Huế đang gấp rút hỗ trợ người dân vùng trũng, ven biển xung yếu chằng chống nhà cửa và di chuyển đến nơi an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng xung yếu ven biển, thường xuyên bị sạt lở và triều cường xâm thực, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền. Sáng nay, chính quyền địa phương đã sơ tán bà con đến nơi trú bão an toàn.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, địa phương đã bố trí 8 phòng học ở trường mầm non cùng nhiều lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân sử dụng trong thời gian tránh trú bão.

“Trên địa bàn xã có 22 hộ ở vùng sạt lở. Địa điểm di chuyển đến là trường mầm non Phú Thuận, hiện cho bà con đến đây để trú ẩn an toàn, Ủy ban xã cũng đã chuẩn bị các lương thực thực phẩm, nước và mì tôm, những vật dụng thiết yếu để cho bà con trú ẩn trong những ngày tránh bão số 4"- bà Oanh nói.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động gần 400 cán bộ, chiến sĩ và 18 phương tiện thường trực, sẵn sàng ứng phó bão số 4. Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cắt cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về các địa phương khu vực ven biển thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang. Quảng Điền… giúp dân chằng chống nhà cửa, triển khai di dân tránh bão.

Thượng tá Phan Thế Hùng, Phó Trưởng Công an huyện Phú Vang cho biết: “Ban chỉ huy công an huyện Phú Vang chỉ đạọ tất cả các lực lượng tăng cường về cơ sở để cùng với hệ thống chính trị ở cấp xã, triển khai các biện pháp, các phương án ứng phó với bão số 4. Chúng ta xác định đây là một cơn bão rất mạnh. Công an ở cơ sở, đặc biệt là công an tuyến xã của huyện đã phối hợp với ban ngành đoàn thể, UBND các xã thị trấn đã giúp cho quần chúng nhân dân trong công tác chằng chống nhà cửa, cùng với các lực lượng di dời các hộ dân.”

Tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành phương án sơ tán, di dời hơn 14.380 hộ dân với 47.400 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng đến nơi an toàn. Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn bắt đầu từ 9 giờ ngày 27/9 và hoàn thành trong ngày hôm nay. Trong đó, ưu tiên sơ tán trước các đối tượng dễ bị tổn thương như: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo. Tỉnh này yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ hôm nay cho đến khi có thông báo mới./.

Các lực lượng Nghệ An chủ động ứng phó bão số 4

CTV Quốc Khánh/VOV1 cho biết, tại Nghệ An trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của bão số 4. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều phương án chủ động nhằm giảm tối đa thiệt hại do bão gây ra.

Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, đã triển khai công tác ứng phó bão số 4 trên 2 tuyến biên giới. Riêng các đơn vị tuyến biển đến thời điểm này 100% tàu thuyền đã được gọi vào trú ẩn tại các cảng và cửa lạch, cửa sông an toàn; còn 17 phương tiện cũng đã neo đậu ở ngoại tỉnh nhưng cũng đã có chỗ neo đậu an toàn và mọi thông tin liên lạc ở tất cả các tàu này đều được cập nhật thường xuyên. Bộ đội biên phòng cũng cử các tổ, đội công tác xuống các cảng, cửa sông, cửa lạch để phối hợp chính quyền và nhân dân chằng chéo neo đậu tàu thuyền an toàn, đến thời điểm này công tác chủ động phòng tránh bão số 4 ở tuyến biển đã yên tâm. Trước đó, chiều 26/9, tỉnh Nghệ An đã có Công điện số 21/CĐ-UBND về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 4.

Đại tá Nguyễn Công Lực Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: "Các tuyến miền núi thì cũng đề phòng hoàn lưu sau bão mưa lớn, rồi đề phòng sạt lở kể cả doanh trại và các khu vực biên giới. Tham mưu cho chính quyền địa phương để di dời sơ tán khi cần thiết ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất đá ở khu vực miền núi".

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cũng tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Trung đoàn 764 và Trung đội vận tải; yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ban, trực chỉ huy, đảm bảo thông tin liên lạc, duy trì quân số trực tại đơn vị; kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, các đơn vị phải đảm bảo an toàn hệ thống doanh trại, kho tàng, các công trình xây dựng trong đơn vị và chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm sẵn sàng cơ động giúp đỡ, ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão gây ra; phối hợp với các lực lượng tổ chức tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt có thể xảy ra./.

Vũng Tàu khuyến cáo người dân không tắm biển trong thời gian ảnh hưởng của bão số 4

PV Gia Khang/VOV/TP-HCM cho biết, chiều nay (27/9), TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến cáo người dân không tham gia tắm biển trong thời gian chịu ảnh hưởng của bão số 4.

Thành phố Vũng Tàu chỉ đạo các đơn vị, xã phường trên địa bàn chủ động triển khai phương án phòng chống bão lụt, sẵn sàng lực lượng tìm kiếm cứu nạn, sơ tán cho người dân và du khách. Thành phố tiếp tục thông tin tình hình bão, khuyến cáo người dân và du khách không tắm biển cho đến khi bão đi qua.

Các địa phương và cơ sở lưu trú du lịch theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình bão và túc trực nghiêm túc 24/24h để có phương án xử lý kịp thời. Vũng Tàu kiên quyết không để người dân, du khách ở lại những khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bão, tháo dỡ các vật dụng không đảm bảo an toàn, có nguy cơ gãy đổ.

Trước đó, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn khẩn trương triển khai, phối hợp ứng phó trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền. Tất cả tàu cá của tỉnh đã vào nơi tránh trú bão an toàn trước lúc bão đổ bộ./.