Anh Ngô Tiến Điệp, người Việt tại Liên bang Nga gắn bó với Đài TNVN từ năm lên 7, lên 8. Xa quê đã hơn 20 năm, nhưng những kỷ niệm về Đài TNVN thì vẫn ăn sâu bén rễ trong sâu thẳm tâm hồn anh.

Hồi thơ bé, những lúc ở nhà quét sân giúp bố mẹ, anh Ngô Tiến Điệp lại ôm đài ra tận hiên nhà để nghe chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài TNVN mà anh yêu thích. Anh được sống trong mạch nguồn của văn hóa truyền thống với các làn điệu hát ru, chèo, chầu văn, ca trù …, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ của anh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và bình dị như con sông Cầu êm xuôi chảy bên lũy tre làng quê anh.

anh-7342.jpg
Anh Ngô Tiến Điệp thăm bãi đá cổ Sa Pa

Gia đình anh gần như cả nhà yêu Đài Tiếng nói Việt Nam. Công ấy thuộc về phụ thân anh, khi các con còn nhỏ đã hướng cho con nghe kênh nào hay, kênh nào bổ ích để mà học. Có thể coi nghe đài như một nét văn hóa của gia đình anh Ngô Tiến Điệp thời ấy. “Vào thứ 7, những đêm sáng trăng cả nhà háo hức ngồi ngoài sân nghe tiết mục Kể chuyện cảnh giác, sau đấy  tiếng trống của chương trình sân khấu truyền thanh vang lên cả nhà háo hức nghe. Giờ những ký ức ấy nhớ lắm, nhớ mãi không bao giờ quên được, càng đi xa càng thấy nhớ” - anh Điệp kể.

Sau này, qua Nga sinh sống, mỗi khi về phép, như một quán tính anh Điệp lại mua pin về cho bố mẹ nghe đài. Và anh cũng tự tay mua cho mẹ một cái đài. Bà thích lắm cứ ôm ấp nghe suốt. Anh Điệp chợt trùng giọng khi nói đến kỷ niệm về mẹ với chiếc đài: “Mẹ tôi mất khi cụ 87 tuổi. Đến lúc mất, cụ vẫn ôm cái đài bên người. Khi cụ mất mọi người đưa cái đài xuống dưới quan tài chôn cùng cụ. Vì kể cả khi cụ đã già, lúc nào cũng có cái đài bên cạnh để nghe Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ”.

Gia đình anh Điệp cũng như bản thân anh đã gắn bó với Đài TNVN theo dọc dài thời gian tính bằng gần cả đời người. Sang Nga rồi, nhắc đến Đài TNVN là anh nhớ về một thời tuổi trẻ. Những năm 1992, 1993 của thế kỷ trước, chưa có Internet, muốn liên lạc với gia đình phải lên tận Moscow mất 10 USD/phút mới gọi điện được, không thì viết thư tay về cho gia đình. Kênh duy nhất tiếp nối với quê hương lúc ấy là Đài TNVN.

Nghe được Đài là vui lắm, nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ chộn rộn, đan xen khó tả. Anh Điệp nhớ mãi một kỷ niệm vào năm 1994, anh và ba người bạn nữa đến thành phố Almaty của Cộng hòa Kazakhstan đúng dịp tết âm lịch của Việt Nam. Mấy anh em nhớ nhà lắm.

Anh Ngô Tiến Điệp đứng thứ 2 từ phải sang trong chuyến cùng đoàn kiều bào dự quốc giỗ năm 2012

Khi ấy, Internet hay VTV4 đều chưa có. Nhà chủ cho mượn một cái đài. Anh bạn đi cùng lần mò thế nào lại mở được chương trình của Đài TNVN mà là chương trình “tiếng thơ”. Được nghe tiếng của quê hương bằng giọng đọc trong chương trình “tiếng thơ” giữa không gian lạnh lẽo, ngoài trời tuyết trắng xóa, mấy anh em xúc động quá, nhảy lên ôm nhau rồi òa khóc vì tự nhiên ở nơi xa lắc lư lại được nghe tiếng đài.

Sang Nga vì bận bịu công việc mưu sinh, vì múi giờ chênh lệch, thành ra anh Điệp ít được nghe đài. Nhưng cứ khi về đến Việt Nam, anh lại được sống trong bầu xúc cảm ngày xưa khi Tiếng nói Việt Nam cất lên. Vừa bước xuống sân bay Nội Bài, trèo lên ô tô, anh đã bảo người lái taxi, mở đài cho nghe. Rồi mỗi khi về quê, ngồi lái xe, như một thói quen cố hữu, anh chỉ mở Đài TNVN, mặc cho cậu con trai thích nghe băng đĩa.

Anh Điệp chia sẻ: “Chương trình VOV giao thông rất cập nhật tình hình giao thông hiện nay. Nghe chương trình này rất bổ ích. Ví dụ đang đi thấy cầu Thăng Long quên không tắt điện người ta cũng báo về. Hoặc một vụ tai nạn ở đâu người ta nhìn thấy, người ta thông báo về, thấy rất là hay. Đúng là các anh, các chị theo kịp thời đại, luôn đi theo nhịp sống của xã hội. Khi về Việt Nam tôi vẫn thường xuyên nghe đài, buổi đêm còn tắt vô tuyến đi để nghe đài.”

Trong dịp về Việt Nam, đi du lịch ở thị trấn Chợ Rã, Ba Bể, Bắc Cạn, anh Điệp nhận thấyngười dân ở đây gần như ít xem vô tuyến, nhà ai cũng có cái đài, mở oang oang và họ nghe say sưa. Anh cứ có cảm giác như mình đang trở lại những năm 1975, 1976 của ngày xưa. Cho dù bây giờ phương tiện thông tin hiện đại nở rộ với nhiều loại hình nhưng nhiều người vẫn thích nghe đài. Đặc biệt, những ký ức, kỷ niệm về Đài TNVN thì vẫn như dòng chảy không bao giờ dứt trong sâu thẳm những người đã đem lòng yêu Tiếng nói Việt Nam./.