Sáng nay (10/1), tại Hà Nội, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững, tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam”.

Năm 1999, nước ta có khoảng 500 đô thị, đến năm 2016, đã tăng lên khoảng 802 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa gần 47%. Quá trình đô thị hóa nhanh đã có những dấu hiệu vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của các cấp chính quyền với nhiều bất cập nảy sinh. Quản lý đô thị chưa theo kịp thực tiễn, khả năng dự báo của quy hoạch chưa đáp ứng xu thế phát triển. Nguyên nhân là quy hoạch bị điều chỉnh, thiếu liên kết, thiếu hợp nhất đa ngành. Đô thị Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển theo chiều ngang, bám các trục giao thông, sử dụng nhiều phương tiện cá nhân, nhiều tài nguyên thiên nhiên…

do_thi_mwhq.jpg
Hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững, tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam”.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng: “Sự hình thành và phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, phát triển mất cân đối ở các vùng, miền và hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ. Thêm vào đó triển khai các dự án đầu tư phát triển đô thị ở các địa phương còn dàn trải và có thể vượt quá quy hoạch, kế hoạch đã đặt ra.

Quản lý sử dụng đất đai xây dựng đô thị chưa thật hiệu quả. Kiến trúc cảnh quan còn lộn xộn, thiếu sắc thái, thiếu các quần thể kiến trúc lớn mang tầm quốc tế. Đây vừa là vấn đề bất cập vừa là mong muốn để có biện pháp giải quyết trong giai đoạn tiếp theo”.

Tại hội thảo, các chuyên gia của WB và một số quốc gia phát triển đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị trong khu vực và trên thế giới, trong đó có các mô hình phát triển đô thị thông minh, sinh thái, tiết kiệm năng lượng, chống chịu biến đổi khí hậu, đô thị nén…

Theo các chuyên gia, để khắc phục những bất cập hiện nay, các đô thị Việt Nam cần có quy hoạch lồng ghép nhiều chức năng của thành phố, bao gồm nhu cầu về giao thông, thoát nước mưa và nước thải…

Trong quy hoạch đô thị, không chỉ làm thế nào để tránh tổn thất do thiên tai gây ra mà còn phải tối đa hóa những thành quả, lợi ích kinh tế mang lại. Quy hoạch tổng thể cần được cập nhật thường xuyên, chẳng hạn 10 năm một lần../.