Quốc lộ1A đoạn từ huyện Duy Xuyên đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam được nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng được vài tháng nay. Người tham gia giao thông trên tuyến đường này vẫn không ngớt lo sợ. 

Phương tiện qua lại nhiều, mặt đường chỉ rộng 16,5 mét, khiến cung đường này trở thành nỗi "ám ảnh" của các tài xế. Có ý kiến cho rằng, khi thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam, Bộ Giao thông –Vận tải đã “bóp” nhỏ dự án này.

Trong nghị trường, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về việc dư 14.000 tỷ đồng vốn nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh thì ngoài thực tế, người đi đường luôn lo sợ tai nạn giao thông.

quoc_lo_1a_czmd.jpg
Quốc lộ 1A- đoạn qua tỉnh Quảng Nam không có làn đường cho xe máy, xe thô sơ

Tài xế Nguyễn Văn Gia lái xe trên tuyến Đà Nẵng- Tam Kỳ phàn nàn, kể từ khi Quốc lộ 1A hoàn thành nâng cấp mở rộng, dải phân cách cứng nằm ở giữa, con đường như chật hơn. Bởi đường chỉ có 2 làn xe mỗi bên, không có phần đường dành cho xe máy nên rất nguy hiểm khi vượt xe phía trước. 

Theo ông Nguyễn Văn Gia, lưu lượng xe đông, lại có dải phân cách cứng ở giữa nên không thể vượt xe cùng chiều. Khi gặp xe tải hoặc xe rơ mooc chạy phía trước, lái xe muốn, xin vượt mà họ không vượt thì mình đành chịu. Lái xe mà vượt phải thì phạm luật giao thông. Ở đây, không có làn xe máy, rất khó khăn cho ô tô.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, tài xế xe buýt 43B -00262, chạy tuyến Tam Kỳ-Đà Nẵng đề nghị dỡ bỏ dải phân cách cứng giữa đường. Ông Hoàng cho biết, thời gian đi từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ hiện nay lâu hơn khi đường chưa nâng cấp. Xe máy mà đi hàng 2 thì không có cách nào chạy được. Đường hẹp quá mà lại có dải phân cách cứng ở giữa nữa, khó chạy. Xe tải chở nặng mà đi giữa đường thì không thể vượt được. Khó đi hơn ngày trước. Xe đi chậm hơn. 

Ông Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 545, đơn vị chủ đầu tư dự án thành phần 1 mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn Km947 - Km987 tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị thực hiện đúng quyết định phê duyệt, đúng thiết kế của Bộ Giao thông –Vận tải. 

Dự án có chiều dài gần 30km đi qua 4 huyện Duy Duyên, Điện Bàn, Thăng Bình và Phú Ninh, chiều rộng mặt đường đoạn không đi qua đô thị là 16,5m, có dải phân cách cứng, tổng vốn đầu tư toàn dự án là 1.150 tỷ đồng theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT). Nhà thầu được thu phí hoàn vốn trong thời gian hơn 23 năm. Đây là trạm thu phí lưu lượng xe lớn nhất khu vực miền Trung với  hơn 10.200 lượt xe mỗi ngày.

Đoạn đường này có lưu lượng xe rất lớn mà mặt đường chỉ rộng 16,5 mét, trong khi toàn tuyến quốc lộ đều rộng 20,5 mét”, ông Hồ Anh Sơn giải thích: “Nhà đầu tư tiếp cận dự án khi Bộ Giao thông –Vận tải đã có thiết kế sẵn. Chúng tôi được tiếp cận dự án này lúc Bộ đã phê duyệt thiết kế cơ sở, đã đưa ra 16,5 mét. Chứ không phải dự án mà nhà đầu tư muốn trình bao nhiêu là trình. 

Trên cơ sở thiết kế của Bộ đăng trên báo Đấu thầu, chúng tôi là nhà đầu tư được chỉ định thầu cho dự án này. Vì thực chất chúng tôi đã trạm thu phí đầu dự án rồi. Còn câu chuyện 16,5m hay 20,5m là câu chuyện không phải của nhà đầu tư mà là chuyện của Bộ”.

Về phía nhà quản lý, ông Vũ Đình Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã nắm được thực tế này. Cục Quản lý đường bộ III cũng đã có văn bản về tình trạng đường hẹp sau khi nâng cấp nhưng chưa có giải pháp xử lý. 

Đối với các đoạn mà không có làn xe thô sơ thì di chuyển gặp khó khăn. Những đoạn này thường hay xảy ra ách tắc và có nguy cơ xảy ra mất an toàn. Cục đã có kiến nghị cần có giải pháp khắc phục. Sau khi Cục báo cáo thì hiện nay về mặt văn bản Bộ chưa có ý kiến trả lời.

Trong phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư 14.259 tỷ đồng của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Chính phủ tiết kiệm hơn 14.000 tỷ đồng là đáng quý, nhưng nhiều đại biểu cũng đề nghị làm rõ các dự án có bị cắt giảm về quy mô hay không.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề cần phải xem xét lại bởi thực tế số tiền dư quá lớn nhưng dự án làm chưa đầy đủ. Đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn lấy dẫn chứng, đoạn quốc lộ 1A qua Quảng Nam theo thiết kế 4 làn xe nhưng thực tế chỉ có 2 làn xe. 

Quy mô thiết kế như vậy mà thi công bó hẹp lại. Nếu chủ đầu tư cho rằng dự án đã hoàn thiện là chưa hợp lý, sử dụng vốn tiết kiệm nhưng dự án làm không đầy đủ.

Còn Đại biểu Y Thông (đoàn Phú Yên) đề nghị xem xét đơn giá định mức của mình, vì sao cao như thế đến khi hoàn thành lại dư thừa như vậy. Còn tiến độ thi công nhanh không phải làm lợi cho nhà nước mà làm lợi cho nhà thầu là chính hơn”.

Theo số liệu thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam, trong 9 tháng năm nay, trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, làm chết 38 người và 31 người bị thương nặng.  Đường đã nâng cấp, mở rộng nhưng việc đi lại khó khăn hơn. Số người thương vong do tai nạn giao thông vẫn còn nhiều nhức nhối./.