Ca nhiễm vi khuẩn Whit More mới được phát hiện là bệnh nhân V.V.Th. (65 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên). Trước khi nhập viện Bãi Cháy (Hạ Long), người bệnh thấy mệt mỏi, khó thở, chân tay run.

Để hạn chế số ca nhiễm bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa, ngành y tế Quảng Ninh yêu cầu các Trung tâm Y tế thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống bệnh; đặc biệt lưu ý những khu vực và đối tượng có nguy cơ cao như khu vực đất hoặc nước bị ô nhiễm; người có vết thương ngoài da, người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính... khi có những biểu hiện bất thường, sốt không rõ nguyên nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần để được khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ CKII Trần Thị Diệp, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cho biết, bệnh Whit more không có vaccine phòng bệnh, không phát sinh thành bệnh dịch nhưng nguy cơ diễn biến bệnh nặng là rất lớn nhất là với người có bệnh nền.

“Các triệu chứng xuất hiện từ 2 đến 4 tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn này. Bệnh này không lây từ người sang người qua đường hô hấp hay từ động vật sang người mà chỉ lây khi vết thương hở tiếp xúc với đất, nước nhiễm khuẩn. Vì vậy người dân cần chú ý đến các biện pháp phòng như đảm bảo vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch”, Bác sĩ CKII Trần Thị Diệp khuyến cáo./.