Tuyến ĐH1 từ trung tâm huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đi 2 xã Tiên Mỹ, Tiên Phong bị xói lở nghiêm trọng. Sau đợt mưa lũ vừa qua, nền đường xuất hiện nhiều rãnh lớn nằm ngang, dọc. Nền đường nhiều điểm hư hỏng, dày đặc ổ voi, ổ gà, có đoạn bị xé toạc.
Ông Nguyễn Sen ở thôn 2, xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước cho biết, con đường này mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện lưu thông nhưng mùa nắng thì bụi bặm, mưa thì đọng nước, xói lở, đi lại rất khó khăn.
“Lúc trước đã hư hỏng, giờ thêm bão lũ nên hỏng tiếp. Người dân lưu thông qua đây đều bị ngã”- ông Nguyễn Sen nói.
Nằm ở độ cao trên 1200m, xã Trà Cang, huyện miền núi cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị cô lập trong mùa mưa bão. Đợt mưa lũ vào giữa tháng 10 vừa qua khiến tuyến đường nối trung tâm xã Trà Cang với các khu dân cư sạt lở nghiêm trọng. Hơn 450 hộ gia đình với gần 2.000 nhân khẩu bị cô lập gần một tuần nay. Huyện Nam Trà My đã huy động lực lượng, phương tiện để thông tuyến bước một.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, đến nay, hầu hết các tuyến giao thông trọng yếu trên địa bàn huyện đã cơ bản thông tuyến.
“Hầu như mỗi doanh nghiệp sẽ được địa phương bố trí, đảm nhận một tuyến đường. Ứng trực trên tuyến đường đó là phương tiện xe, máy móc, vật tư và nhân lực để khi xảy ra sự cố có thể triển khai, ứng cứu nhanh nhất, đảm bảo khắc phục giao thông”- ông Trần Văn Mẫn cho biết.
Trong đợt mưa lũ cuối năm 2020, phần lớn hạ tầng giao thông tại 9 huyện miền núi tỉnh Quảng Nam bị phá hủy, đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Các đợt mưa lũ vừa qua, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã tại các huyện miền núi tiếp tục hư hỏng.
Năm nay, tỉnh Quảng Nam chủ động dự trữ lương thực tại các vùng dễ bị cô lập nên không xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực do mưa lũ, tắc đường.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh xây dựng nhiều kịch bản ứng phó tùy theo diễn biến của thiên tai, trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, ngoài sự chuẩn bị của chính quyền địa phương thì sự chủ động và kinh nghiệm ứng phó với sạt lở, mưa lũ của người dân đã được nâng cao đáng kể.
“Trước tình hình mưa bão cũng sắp đến thì xây dựng các phương án bố trí các loại phương tiện, trang thiết bị để sẵn sàng ứng cứu khắc phục, kể cả từ ở phía dưới lên và từ phía trên xuống để đảm bảo khi có các tình huống xảy ra là chúng ta có thể cơ động để giải quyết. Đồng thời các phương án dự trữ lương thực tại chỗ cũng phải được hoàn thành”- ông Lê Trí Thanh cho biết./.