Trong 6 người Việt mất tích trên biển trong vụ cháy tàu cá Hàn Quốc thì có 5 lao động là người ở tỉnh Quảng Bình. Nhiều gia đình sau khi nhận hung tin về người thân đã bàng hoàng, lo lắng. Các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương tại tỉnh Quảng Bình đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân.

qb1_vov_yryk.jpg
5 nạn nhân mất tích tại Hàn Quốc đều là lao động hợp pháp thông qua xuất khẩu lao động.

Trong số 6 người mất tích trong vụ cháy tàu cá Dae Seong 29 tấn vào sáng 19/11, tại vùng biển phía Tây đảo Jeju, Hàn Quốc, có 5 người ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, 1 người ở tỉnh Hà Tĩnh. Họ  là những lao động làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc thông qua con đường xuất khẩu lao động.

Ông Hồ Minh Hồng, ở thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, người nhà của một nạn nhân cho biết, nhiều ngày trôi qua nhưng vẫn chưa có thông tin chính thức nào khiến các gia đình hết sức hoang mang, lo lắng.

“Nguyện vọng của gia đình là mong muốn các cơ quan chức năng từ địa phương cho đến Trung ương, Hiệp hội người Việt Nam ở Hàn Quốc cố gắng tạo điều kiện tìm được thi thể của các cháu. Gia đình cũng mong muốn chính quyền tạo điều kiện hết sức, tạo điều kiện cho gia đình về thủ tục để gia đình sang nhận người thân để sớm đưa về Việt Nam”, ông Hồng nói.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình có nạn nhân mất trên biển Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin từ doanh nghiệp môi giới xuất khẩu lao động, địa phương thường xuyên theo dõi về công tác cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng chức năng tại Hàn Quốc. Cả 5 nạn nhân đều có mối quan hệ họ hàng, ruột thịt và đều đã lập gia đình. Đây là những lao động chính trong gia đình. 5 thuyền viên này hiện đang làm việc hợp pháp tại Hàn Quốc thông qua con đường xuất khẩu lao động.

Chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ các gia đình nạn nhân. Theo ông Nguyễn Văn Lào, địa phương đã chuẩn bị phương án để hỗ trợ các gia đình.

“Lãnh đạo xã cùng các đoàn thể đã đến từng gia đình động viên, chia sẻ và nắm thêm những thông tin thật chính xác, kịp thời báo cáo lên Huyện ủy, UBND huyện, Phòng Lao động Thương binh Xã hội để có các biện pháp hỗ trợ các gia đình.Cùng với đó báo cáo lên các cấp nhà nước, phối hợp với phía Hàn Quốc hỗ trợ hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân”, ông Lào cho biết.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn chưa có văn bản gửi về cho địa phương. Được biết, Bộ Ngoại giao đã có văn bản gửi về Sở Ngoại vụ và địa phương thông tin về việc mất tích của các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, dù chưa có văn bản chính thức nhưng Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã đã phối hợp với chính quyền địa phương thăm hỏi động viên các gia đình nạn nhân.

“Chưa có văn bản chính thức gửi về cho Sở, cho tỉnh. Số lao động này cả 5 trường hợp đều đi xuất khẩu lao động hợp pháp. Trường hợp lần này mới thông báo mất tích, khi chưa tìm được xác thì chỉ mới thực hiện được một số bước ban đầu, giao cho chính quyền địa phương trước mắt là thăm hỏi, động viên gia đình”, ông Sơn cho biết.

Được biết, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã có văn bản gửi về địa phương thông báo, nếu các gia đình có nguyện vọng sang Hàn Quốc để đón các nạn nhân sau khi tìm thấy thì Cục lãnh sự, các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ về mặt thủ tục, cơ sở pháp lý.

Các Công ty đưa người lao động đi xuất khẩu lao động đã có liên hệ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và gia đình để thông tin và làm các thủ tục hỗ trợ nếu có./.