Mất hơn 3 tiếng đồng hồ trên suốt hành trình gần 200km dọc theo quốc lộ 1A, qua chừng dăm trạm thu phí chúng tôi mới đến được chợ Tân Thanh, khu vực nằm giáp biên giới Trung Quốc thuộc địa bàn Tỉnh Lạng Sơn. Khác khá nhiều với những điều tôi tưởng tượng trước khi đến đây, chợ Tân Thanh trông giống một phiên chợ làng sầm uất hơn là nơi mà thiên hạ luôn kháo nhau “thiên đường mua sắm”…
Chợ trời: Ai bán, ai mua?
Những năm mở cửa đã thực sự mang lại một bộ mặt mới cho cái thị trấn bé tẻo teo nằm heo hút sát đường biên giới Việt Trung này. Nhộn nhịp, sầm uất là những cảm nhận đầu tiên mà bất cứ du khách nào đến đây đều dễ dàng “mục sở thị” thấy. Có lẽ điểm chung và cũng thu hút sự tò mò nhất mọi người khi đặt chân đến đây chính là chợ Tân Thanh. Tọa lạc trên mảnh đất toen hoẻn khoảng chừng vài ngàn mét vuông nhưng có dễ đến cả vài trăm hộ cả Ta lẫn Tàu chen chúc cùng kiếm kế sinh nhai.
Ban Quản lý chợ ở đây cho biết trung bình mỗi ngày chợ thu hút hàng nghìn người đến tham gia mua bán. Cao điểm vào những ngày Lễ hay Thứ bảy, Chủ nhật con số này còn lên đến cả vạn người. Đông thế, sầm uất thế nhưng cơ sở hạ tầng của chợ rất yếu kém, nếu không muốn nói là rất tạm bợ.
Chang- một người quê ở Bằng Tường sang đây buôn bán từ nhiều năm nay cho biết đa phần giới kinh doanh trong chợ đều là người Trung Quốc. Sáng sáng họ qua Việt Nam thành từng nhóm, dọn hàng từ rất sớm, chiều tối lại qua biên giới trở về nhà, điểm chung dễ nhận thấy là họ đều rất thông thạo Tiếng Việt. Cũng theo Chang, nắm tâm lý người Việt Nam thích mua tận tay người Trung Quốc cho rẻ và đỡ áy náy là bị “chăn”, nên hầu như ki ốt nào đông khách ở đây đều thuộc về họ.
Chợ Tân Thanh nằm trong khu vực giáp biên không chịu sự quản lý của hải quan nên hàng hoá tại đây 100% là hàng chưa đóng thuế nhập khẩu. Trung bình mỗi mặt hàng ở đây rẻ hơn hẳn 1/3 so với ngay các chợ trong thành phố Lạng Sơn (cách chỉ vài chục km). Mặt khác, thủ tục đăng ký vào khu vực này cũng tương đối dễ dàng nên vài năm trở lại đây, nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh phía Bắc đã “đua nhau” về đây mua sắm hàng hoá từ vật bé xíu như cây kim, sợi chỉ đến những cái lớn, cồng kềnh như ti vi, tủ lạnh… như một thứ “mốt thời thượng”.
1001… mánh khoé lừa
Một lời khuyên nằm lòng dành cho tất cả những ai có ý định về Tân Thanh mua hàng là phải luôn cảnh giác cao độ trong mọi hoàn cảnh nếu không muốn mình rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” nhất là những mặt hàng có giá trị như đồ điện tử.
Dương, một tay anh chị thâm niên buôn bán nhiều năm đồ Tàu bật mí thêm, còn một thủ thuật “xưa như diễm” nhưng vẫn được áp dụng rất hiệu quả tại đây là thủ đoạn tráo hàng. Ví dụ như với mặt hàng điện thoại. Kể cả khi bạn là người có kinh nghiệm, đòi người bán cho kiểm tra tín hiệu trước khi mua, nhưng chỉ bất cẩn trong tích tắc khi đóng gói thì y như rằng hàng của bạn đã được thay thế bằng một loại điện thoại y hệt nhưng “không nhân” tức là đã được tháo bỏ hoàn toàn các con IC quan trọng. Lúc về đến nhà ngã ngửa ra thì đã muộn, quay trở lại may mắn thì đổi được nhưng tính ra giá thành chiếc điện thoại cũng đội lên nhiều lần so với mua ở nhà.
Của rẻ là của… giời ơi
“Rẻ và đa dạng mẫu mã chính là hai yếu tố hàng đầu thu hút mọi người đến đây”- Tùng, một tay có vẻ “sừng sỏ” nhất trong đoàn chúng tôi hùng hồn tuyên bố. Bạn thử tượng tượng, một chiếc lò vi sóng “số” y chang kiểu dáng cũng như tính năng (tất nhiên chưa bàn tới tuổi thọ) ở đây chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, tức là rẻ bằng 1/4 so với hàng nhập “xịn”. Tương tự, một chiếc máy rửa bát “to đùng to đoàng” với tính năng hiện đại đắt lắm cũng chỉ 600.000, một con ti vi siêu phẳng 21 ich “ngon chớt” giá vẻn vẹn 2 triệu đồng cũng hộp xốp, catalog như ai…
Loanh quanh chán chê một hồi trong chợ, tôi liều hỏi thử một chiếc điện thoại kéo dài hiệu Sony tại một ky ốt. Bà chủ trẻ người Tàu nhanh nhảu “lạch cạch” bấm một hồi vào chiếc máy tính và chỉ vào con số 450.000 đồng. Thấy tôi lắc đầu và có ý định bỏ đi, bà ta lại xoá đi và bấm lại 350.000 đồng rồi dừng lại ở mức giá 280.000 đồng. Một phần cũng có nhu cầu, phần quá ngại trước sự “nhiệt tình” quá mức kia, tôi cũng “nhắm mắt” mua bừa một cái cho xong. Chưa kịp hớn hở trước “chiến tích” của mình, vừa ra tới xe tôi đã tiu nghỉu khi biết một chị trong đoàn cũng vừa mua một chiếc điện thoại y chang với giá chỉ 250.000 đồng.
Chả biết nghe bùi tai thế nào anh bạn cùng đoàn khệ nệ ôm ra xe nguyên cả một bộ dàn nghe nhạc kỹ thuật số to đùng to đoàng, đầy đủ từ cái loa cho đến cả đầu âmpli và DVD. Vừa lau mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt vẫn còn tươi rói vẻ phấn chấn, anh vừa nói “Cả hai vợ chồng từ khi lấy nhau dành dụm mãi vẫn chưa tậu được một bộ nghe nhạc nào cho ra hồn. Bộ như thế này mà chơi hàng xịn dễ cũng phải mất gần 20 triệu như chơi. Trong khi ở đây chỉ phải bỏ ra vẻn vẹn có 2 triệu đồng cho cả “trâu lẫn nghé”. Phen này về Hà Nội bà xã mừng phải biết!”. Không biết, phu nhân của anh tay bắt mặt mừng thế nào, nhưng chỉ sau 2 tuần đến chơi, tôi đã thấy cả “rạp hát trong nhà” của anh vứt lăn lóc một xó. Còn anh luôn than ngắn thở dài điệp khúc “Đúng là của rẻ là của.. giời ơi”.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, để có giá rẻ, các nhà sản xuất Trung Quốc thường phải chấp nhận chất lượng không đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hơn nữa, do phải cộng thêm chi phí vận chuyển cũng như lợi nhuận khá lớn cho mạng lưới phân phối nên đương nhiên việc giảm giá thành sản xuất đến mức tối đa đã khiến cho chất lượng hàng Trung Quốc ngày càng kém là điều dễ hiểu.
Đơn cử như các loại quần áo may sẵn Trung Quốc, một thời làm mưa làm gió trên thị trường nước ta bởi ngoài đa dạng phong phú về mẫu mã, mầu sắc mà còn có giá thành rất rẻ. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, qua sự tự kiểm định của người tiêu dùng thì các loại quần áo rẻ tiền đó rất mau hỏng, co ngót không đều, thậm chí nhiều cái còn có hiện tượng phai màu gây khó chịu cho người sử dụng. Hiện tại, các loại quần áo này gần như đã bị thị trường thời trang “tẩy chay” hoặc hoạ hoằn lắm bán cho những người tiêu dùng có thu nhập thấp./.