Mặt trời bắt đầu nhô lên mặt biển cũng là lúc những từng tốp tàu cá  vào bờ để nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng làm việc. Trên khuôn mặt mỗi người thủy thủ dẫu còn hằn sâu những nét mệt mỏi, vất vả, nhưng vẫn không giấu được niềm vui vì một chuyến ra khơi thắng lợi, ghe thuyền chở nặng tôm cá, quà tặng của biển cả. Hương vị mặn mòi của biển, cộng thêm sự chất phác của người dân miền biển hiện rõ trên khuôn mặt họ…

“Làng tôi bao đời đã sống nhờ biển cả…”

Tam Tiến là một xã nghèo của huyện Núi Thành, của tỉnh Quảng Nam. Với diện tích 2.091,43 ha, dân số 11.371 người gắn với công việc chính là đi biển. Thời gian gần đây phát triển thêm nghề nuôi tôm. Đời sống nhân dân đã từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn đó muôn vàn khó khăn. Người dân vẫn phải bám biển để mưu sinh… "Cuộc sống của ngư dân trước đây cứ bấp bênh như sóng. Mùa biển động càng khó khăn gấp bội. Vùng biển nào cũng vậy, cứ đến mùa biển động, nếu không muốn đói thì phải làm biển tha phương". Ông Võ Ngọc Hoa, 54 tuổi ở thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến vừa kéo chiếc thuyền thúng nặng lưới cá vào bờ, vừa nói với tôi.

Picture-671.jpg
Những chiếc tàu đánh cá ngoài khơi
Hơn 8 giờ sáng, khi ánh mặt trời tỏa xuống hơi nóng của một ngày mới trên vùng biển này, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp của người dân nơi đây.

Trên bãi cát, các bà các chị tranh thủ lúc thuyền chưa cập bờ ăn vội bữa sáng để còn tiếp tục công việc thường nhật, hay ngồi tụm năm tụm ba nói chuyện nhà cửa, chuyện học hành của con cái hay những câu chuyện tầm phào vu vơ nào đó. Nói là chợ nhưng thực chất đây chỉ là mấy cái chòi nhỏ, cọc cắm xuống bốn góc và căng mấy tấm bạt, hay những chiếc bao tải mà thôi.

Thời điểm nhộn nhịp nhất là từ khoảng 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, vì đây là thời điểm các thuyền đánh cá thường vào bờ để bán sản phẩm của mình đánh bắt được trong đêm. Không khí mua bán thật sôi động, ai nấy đều hối hả với công việc của mình, nhưng lại không có cảnh tranh giành, cãi vã ầm ĩ như thường thấy ở các chợ cá. Tiếng í ới gọi nhau, tiếng cười giòn giã của các bà, các chị vang lên. Những chiếc thuyền thúng ra vào tấp nập, khuấy động cả một góc biển buổi sáng vô cùng thanh bình yên ả.

 Mỗi khi có chiếc thuyền thúng nào chở “hàng” cập bờ thì mọi gánh gồng của những người phụ nữ tảo tần làng biển lại ra tận mép nước chăm chú quan sát xem có phải bạn hàng quen thuộc hay người nhà mình hay không để “cất hàng” mang ra chợ bán.

Ở làng biển này, xế chiều và buổi tối là thời điểm quan trọng để họ chuẩn bị cho việc giong thuyền ra biển mưu sinh. Mỗi lần nhổ neo là họ mang theo hy vọng hôm nay sẽ được thuận buồm, xuôi gió, gặp được luồng cá lớn để có thể trúng đậm, ghe thuyền chở nặng cá, tôm.

Ông Nguyễn Ngọc Trũng và con trai sau chuyến biển
Ông Nguyễn Ngọc Trũng, 45 tuổi nhưng đã gắn bó với biển cả quê hương hơn 35 năm, ông kể: “Gia đình tôi 4 thế hệ ở đây đã quen thuộc với nhịp điệu, hơi thở của cuộc sống lênh đênh trên sóng nước. Nghề đi biển này tuy khó khăn, vất vả rất nhiều, nhưng nó đã ngấm sâu trong máu thịt, trở thành “cái nghiệp” của mình rồi. Cũng nhờ đi biển mà tôi nuôi được gia đình, cho mấy đứa nhỏ được đến trường đến lớp đàng hoàng”.

Đứa con gái đầu của ông đang học Sư phạm trong TP HCM, đứa con trai thứ hai mới hơn 15 tuổi đã theo ông đi biển trong những ngày hè được nghỉ này. Cứ đúng 4 giờ chiều, gia đình ông đã chuẩn bị đầy đủ các loại ngư cụ sẵn sàng ra biển và đến sáng hôm sau đưa thuyền neo đậu ngoài khơi, rồi dùng thuyền thúng chở cá vào để bán cho thương lái. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Trũng cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng để trang trải cuộc sống.

Ngoài những ngư dân trực tiếp đánh bắt cá thì còn có những người chuyên làm dịch vụ vận chuyển cá, tôm vào bờ để bán cho thương lái và đưa nước đá, lương thực, thực phẩm ra tiếp tế cho những tàu lớn neo đậu ngoài khơi xa. Chúng tôi đến bên những người phụ nữ đang phân loại cá vừa được đưa từ dưới thuyền lên bờ, những bà những cô tay nhanh làm cám miệng không ngớt cười đùa và thi thoảng có ai đó cất lên một khúc dân ca miền biển.

Bà Nguyễn Thị Tự, 72 tuổi cười chỉ về phía những người phụ nữ trẻ tuổi hơn, nói: “Đây toàn người trong thôn cả thôi. Như tôi thuộc hàng nhiều tuổi, gắn bó với biển lâu năm. Làm nghề biển này vất vả trăm bề, có khi phải thức trắng suốt đêm, nhưng do là kế mưu sinh, nên cũng phải gắn bó, bươn chải với nó thôi. Ban đầu làm nghề, ai cũng cảm thấy khá mệt mỏi nhưng rồi cũng quen dần và ghiền luôn!”.

Trong những người phụ nữ đang làm cá trên bờ này, chúng tôi thấy có rất nhiều người trẻ tuổi, cả các em học sinh. Bà Tự cho biết làng biển này mỗi khi hè về là đón thêm vài chục “ngư dân” nhí.  Các em có sức khỏe, thích nghề biển thường theo tàu ra khơi nấu nướng cho ngư dân, có em cũng kéo lưới đánh cá như ngư dân thực thụ. Có em thì ở trên bờ lọc cá, làm cá các loại, không thiếu gì việc để phụ giúp kinh tế gia đình, cũng như tự kiếm chút tiền mua sách vở, quần áo cho năm học mới.

Em Trần Mạnh Toàn (ở thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến) học sinh lớp 9, Trường THCS Kim Đồng, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành mới ít tuổi nhưng cũng theo các ngư dân ra khơi mỗi tối.

Toàn bảo cứ 4 giờ chiều em lại theo tàu ra biển đánh cá đến 6 giờ sáng mới vào bờ, mỗi chuyến như thế em được chia 30.000 - 40.000 đồng. Mỗi ngày em chỉ ngủ được 6 tiếng, từ 10 giờ trưa đến 4 giờ chiều.

Hai chị em Huỳnh Thị Thúy Nhất, Huỳnh Thị Thúy Nhị với công việc làm cá kiếm tiền giúp gia đình dịp hè
Em Huỳnh Thị Thuý Nhất (thôn Phước Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành), học sinh lớp 11/C3 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tam Kỳ) hơi chia sẻ: “Vừa nghỉ hè là em về quê làm cá. Tiền công mỗi ngày được 20.000 đồng, ít thôi nhưng cũng giúp đỡ được gia đình phần nào”…

Vẫn một lòng với biển

Ông Lữ Đình Vân, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) cho biết: “Xã Tam Tiến có số lượng lớn ngư dân đánh bắt ngoài khơi, với trên 230 chiếc tàu các loại, trong đó công suất 90CV trở lên có 48 chiếc; từ 20 đến dưới 90CV có hơn 100 chiếc; dưới 20CV có 25 chiếc, đánh cá chủ yếu là vùng gần bờ và khu vực Trường Sa - Hoàng Sa, từ đầu năm 2011 đến nay, khai thác sản lượng thu về của ngư dân gần 2.700 tấn cá, đời sống của người dân ở đây được cải thiện rõ rệt”.

Được biết chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí để đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; tổ chức tập huấn cách ứng phó khi gặp bão, các quy định về trang thiết bị an toàn tàu cá, kiến thức sử dụng tần số máy thông tin liên lạc phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển; kỹ năng sơ cứu ban đầu cho người bị nạn... Vận động các chủ tàu tham gia thành lập các tổ đoàn kết sản xuất trên biển nhằm tập hợp các tàu lại với nhau để phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, phòng tránh bão, cứu nạn, cứu hộ trên biển... theo đề án “Hỗ trợ đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ” đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, từ năm 2010-2015, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ cho các chủ tàu cá là ngư dân, tổ hợp tác, HTX thực hiện đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, hoặc nâng cấp tàu cá đang sử dụng có công suất dưới 90CV thành tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Đối với tàu đóng mới sử dụng máy thủy mới 100%, có công suất từ 90 đến dưới 250CV hỗ trợ 80 triệu đồng mỗi tàu 1 năm, từ 250CV đến dưới 400CV hỗ trợ 100 triệu đồng, từ 400CV trở lên hỗ trợ 120 triệu đồng...

Tuy thời gian gần đây, do sự biến động bất thường của giá xăng dầu, một thời gian dài ngư dân xã Tam Tiến phải để thuyền nằm bờ, nhưng rồi vì cuộc sống mưu sinh, họ lại ra biển, lại bám biển như nghìn đời trước cha ông đã sống với biển cả…

Rời làng biển vẫn còn đang tấp nập tàu cá vào bờ, chúng tôi không khỏi vui mừng vì ngư dân Tam Tiến vẫn vững vàng ra khơi, sống cùng biển cả, lại chợt nhớ đến một câu thơ của Tế Hanh: “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông…” như một khúc ca ấm áp cho những ngư dân nơi vùng biển miền Trung này./.