Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ cá sấu sổng chuồng xảy ra tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, khiến người dân không khỏi lo lắng, sợ hãi. Mới đây nhất là vụ 14 con cá sấu của nhà ông Phạm Văn Trắng, ở ấp 3, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sổng chuồng. Ngay sau khi vụ việc xảy ra các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre và huyện Châu Thành đã bắt  được 9 con cá sấu, tiêu diệt 2 con, còn 3 con đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Cách đây vài tháng, ở phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau một con cá sấu chừng 30kg của một hộ nuôi cá sấu tẩu thoát xuống sông khi đang vận chuyển. Sau hàng tuần huy động, lực lượng truy lùng mới bắt được con cá sấu. Trước đó, ngày 13/2/2007, người dân An Thạnh Trung, Chợ Mới, An Giang được phen tá hoá khi xuống thăm lưới giăng cá ở một khúc mương, thì phát hiện một con cá sấu nặng chừng 30kg, dài hơn hai mét, bị quấn vào lưới.

DBSCL-nuoi-ca-sau-2.jpg
Nuôi cá sấu làm du lịch tại Mỹ Khánh, Phong Điền, Cần Thơ

Theo thống kê, hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 150.000 con cá sấu nuôi. Ông Nguyễn Hữu Bé, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre, thẳng thắng nhìn nhận: “Trong tổng số 5.000 con cá sấu tại địa bàn tỉnh Bến Tre, phần lớn là chăn nuôi nhỏ, lẻ, mỗi gia đình vài ba con nên chúng tôi rất khó quản lý. Chúng tôi đã tiến hành xử phạt một số gia đình nuôi cá sấu không đăng ký. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh ban hành quy định về nuôi cá sấu nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp chăn nuôi cá sấu trái phép, không đăng ký, chuồng trại không đảm bảo.”  

Những năm trước một số hộ nuôi cá sấu nước ngọt xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ở ĐBSCL thu lãi lớn. Điều này khiến phong trào nuôi cá sấu tại các tỉnh ĐBSCL phát triển một cách tự phát như nấm sau mưa. Cá sấu giống bị tranh mua, giá con giống 1- 2 năm tuổi lên tới hàng chục triệu đồng/con. Các sản phẩm từ cá sấu có giá trị cao, tuy nhiên việc tiêu thụ không hề đơn giản. Muốn xuất khẩu cá sấu, trước hết chủ trại cá sấu phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, trại nuôi đủ tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 (thế hệ được sinh ra từ cá sấu bố mẹ đánh bắt ở tự nhiên), có hạn ngạch xuất khẩu. Vậy nên chỉ có những người nuôi cá sấu có đăng ký, có vốn lớn, đầu tư xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn, nguồn gốc cá sấu rõ ràng mới có cơ hội tiêu thụ được dễ dàng và có lãi. Còn đối với những người nuôi cá sấu nhỏ lẻ, mua trôi nổi, nguồn gốc bất hợp pháp rất khó tiêu thụ, thậm chí nuôi cá sấu không đăng ký bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.

Thiết nghĩ, chính quyền các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL cần có những biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với những trường hợp nuôi cá sấu vi phạm. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu những quy định của pháp luật về nuôi các sấu./.