Chỉ hơn 1 tháng trở lại đây, tại xã Tà Mít (Tân Uyên, Lai Châu) đã có 5 trường hợp bỏ mạng vì lá ngón. Điều đau xót là những cái chết thương tâm ấy đều rơi vào những người trẻ, phần lớn đều chưa lập gia đình. Đến Tà Mít, mới thấy rõ, còn quá nhiều việc phải làm để vùng đất nghèo khổ này của Tây Bắc bớt đi những cái chết không đáng có...

Từ chuyện “Ma men”

Khi vào Tà Mít, người đầu tiên mà chúng tôi muốn gặp là Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Sơn để nắm tình hình. Nhà ông Sơn nằm ngay bản Pắc Pu, cách bản trung tâm Phiêng Giềng chỉ chừng 15 phút đường bộ. Phải rất lâu chúng tôi mới đánh thức được vị Phó Chủ tịch này. Trong khi chúng tôi đánh thức ông Sơn, người vợ đang phơi sợi ngoài hiên nói vọng vào: “Ông ấy say từ hôm qua, từ sáng đến giờ vẫn say, gọi cách nào cũng chẳng thể dậy được đâu mà...”.

tan-uyen.jpg

Chiều Tân Uyên

Tìm hiểu ở bản trung tâm Phiêng Giềng, chúng tôi được biết, đa số rượu uống hằng ngày của người dân được mua ngoài quán. Ra các quán thấy rượu được xếp trong từng can ngổn ngang trước cửa. Bước vào quán, thấy rượu được chắt ra chai 65 lổn nhổn trong gầm giường. Trên các bàn ăn, lọ nhựa dưới xuôi vốn dùng để đựng đường cũng thành... “hũ rượu”.

Khi ánh trăng đã chênh chếch phía sau ngọn đồi, cả bản làng chìm vào giấc ngủ của núi rừng thì những ngôi nhà sàn lại đua nhau đỏ lửa. Tại đó, những cuộc nhậu diễn ra thâu đêm. Tàn cuộc cũng là lúc trời sáng. Tới chiều, lại tiếp tục nhậu. Chu kỳ ác nghiệt đó tiếp diễn không ngừng…

Không chỉ đàn ông mới được quyền uống đến say mềm môi, mềm chân. Ở Tà Mít người ta vẫn truyền tai nhau chuyện của đôi vợ chồng Hoàng Văn Tèn và Hoàng Thị Mua ở bản Pắc Muôn. Một lần, hai vợ chồng rủ nhau cùng “lai rai” trong căn nhà sàn sát mé rừng. Uống tràn đêm, đến tảng sáng, Hoàng Thị Mua lăn ra ngủ. Hoàng Văn Tèn vốn tính hay ghen bóng gió, bỗng thấy trong mình bức bối, liền nổi hứng, khóa trái cửa, hăm hở châm lửa đốt cả vợ, cả nhà cho… bõ tức. Vừa lúc, chị vợ tan cơn say rượu, tỉnh dậy, ngó trên đầu thấy ngùn ngụt lửa cháy, xung quanh nóng như rang, liền vớ lấy con dao đầu giường, chém bay cánh cửa… thoát ra ngoài.

Vậy mà, đến khi chúng tôi lên, trong buổi liên hoan kỷ niệm ngày 8/3 cho chị em trong xã, đôi vợ chồng nọ vẫn cứ ngồi uống với nhau...

Gần 4 giờ chiều, tại nhà Hoàng Văn Khò (bản Pắc Pu), cả nhà 6 thành viên cả già lẫn trẻ vẫn chưa dứt bữa cơm chào mặt trời. Trên bàn ăn, ngoài rượu trắng chỉ có mấy đĩa măng non luộc dối và bát muối hột to. Thấy chúng tôi đến, Khò nài nỉ khách ở lại dùng rượu cả bằng tiếng Kinh lẫn tiếng La Ha đã líu ríu hơi men.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đợt Tết Âm lịch vừa qua, ngoài “vụ án” Hoàng Văn Tèn chốt cửa thiêu vợ, còn ít nhất 2 trường hợp đã chết do dùng rượu quá liều rồi tìm tới lá ngón quên đời.

Ông Hoàng Văn Bun, người bản Sài Lương bị xác định tử vong do trúng gió độc ngay sau khi vừa nhậu xong. Một trường hợp khác đau lòng hơn là nạn nhân ngay sau khi uống rượu ở nhà liền tìm đến cái chết bởi lá ngón giữa rừng sâu.

Giữa tháng 3, phần lớn các gia đình ở Tà Mít chỉ còn vài tạ gạo để ăn. Chỉ chừng vài tháng nữa, cả bản, cả xã sẽ bước vào mùa đói mới. Nhưng, nương bỏ không mà rượu vẫn cứ chảy tràn cuối núi.

Lá ngón - Ngón tay độc của rừng

Đến “những ngón tay độc” của rừng

Chuyện tự tử bằng lá ngón đang trở thành nhức nhối ở vùng đất nghèo khó này của vùng Tây Bắc.

Lá ngón ở Tà Mít được chia làm hai loại. Loại mọc khá thấp, xen lẫn các bụi gai thì ít độc hơn. Còn loại lớn hơn, lá mọc theo hướng mặt trời thì rất độc, nếu tay bị xước nhẹ thì chớ nên vặt loại lá này vì chỉ cần một liều lượng nhỏ cũng đủ làm cho nạn nhân lên cơn co giật mạnh.

Độc tính cực cao, lại mọc san sát ngay bên hiên nhà nên tự tử bằng lá ngón là chuyện mà người dân các bản xung quanh dòng Nậm Mu thấy “như không có gì”. Ngay cả người nhà một nạn nhân mới chết hôm mùng 5 Tết khi được hỏi cũng ráo hoảnh bảo rằng: “Ai thích chết thì ăn mà”.

Bởi vậy nên chỉ tính từ tháng 2/2009 đến nay, xã Tà Mít đã xảy ra tới 5 trường hợp tử vong do tự tử bằng thứ lá chết người ấy.

Mới đây nhất, ngay trước khi chúng tôi tới Tà Mít vài hôm, bản Pắc Pu đã rúng động vì cái chết không nguyên cớ của em Hoàng Văn Viện, 14 tuổi. Sau một bữa nhậu say, Viện đòi đi sang bản bên chơi nhưng bị bố mẹ cản. Viện phẫn chí, lấy xe chạy thẳng vào rừng… ăn lá ngón. Người dân bản đi hái măng gặp Viện đã cứng người, dưới chân nương lá vẫn xanh rì. Ngày chúng tôi đến nhà Viện hỏi thăm, căn nhà xơ xác, chỉ còn người cha ngẩn ngơ ngồi tu từng hớp rượu dài bên ô cửa nhỏ. Phía sau nhà, vẫn mướt mát một màu xanh rưng rức của lá ngón.

Tại bản Pắc Muôn lại có chuyện tự tử của chị Hoàng Thị Lón (sinh năm 1984). Vào cuối tháng Chạp (Âm lịch), mẹ Lón là bà Hoàng Thị Tấm bỗng thấy con gái lảo đảo từ nương bước về, mặt đỏ bừng. Lúc này, Lón đã mê sảng, nói lảm nhảm, sùi bọt mép màu xanh. Người con gái đổ gục xuống ngay trước ngưỡng cửa nhà mình. Khi chúng tôi đến thăm, không khí ảm đạm vẫn phủ kín căn nhà sàn ọp ẹp. Người mẹ già lặng im bên bếp lửa, hỏi gì nói đấy. Qua câu chuyện lúc được lúc mất, chúng tôi biết Lón tự tử chỉ vì mắc bệnh lang ben lâu ngày không khỏi, đâm chán đời nên tìm đến cái chết.

“Con ma lá ngón” là cụm từ dân bản gọi chung thứ lá đã cướp đi cuộc sống người thân của họ. Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã ngán ngẩm bảo: “Người dân ở đây coi cái chết nhẹ như không, bị chửi cũng lá ngón, thất tình cũng lá ngón, mà buồn không có việc gì làm, thì cũng lá ngón. Mặc dù xã đã rất nhiều lần giáo dục bà con, cũng như “dùng biện pháp mạnh” là tổ chức phá những núi lá, đồi lá… nhưng vẫn không ngăn được việc tự tử bằng lá ngón. Vấn đề nằm ở ý thức. Bởi hầu hết những người tự tử bằng lá ngón đều rất trẻ và bỏ học sớm...”.

Đói nghèo và thất học đã khiến cho câu chuyện về “ma lá ngón” trên vùng cao Tây Bắc ấy càng trở nên nhức nhối. Trên quãng đường xa với bản làng đang say trong men rượu, băng qua triền đồi xanh ngăn ngắt những ngón tay đua lên trời, chúng tôi mới thấm thía hết ý nghĩa câu nói gan ruột của một thầy giáo cắm bản: “Còn rất nhiều con ma đang vây chặt lấy cuộc sống của những gia đình đói nghèo trong Tà Mít. Chúng tôi hiểu, mỗi người thầy giáo, cô giáo trên mảnh đất này phải là một con dao phạt vào rừng lá ngón này. Biết vậy, nhưng thực tế không dễ gì mà làm được đâu các anh ạ!..”.

Ai cũng hiểu, phá “rừng lá ngón” là trách nhiệm của cả cộng đồng, mà vai trò chính là của cán bộ, đảng viên các cấp chính quyền./.