42 nữ chiến sỹ lái xe năm xưa, nay 5 người đã mất. Cuộc gặp gỡ của các chị trong ngày gặp mặt truyền thống thật cảm động, nghĩa tình.

Năm 1968, tình hình chiến sự tại chiến trường miền Nam trở nên ác liệt. Số lượng lớn chiến sỹ có kinh nghiệm được chuyển vào sâu các hướng chiến trường.

Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã ra quyết định táo bạo thành lập đơn vị nữ lái xe Trường Sơn để hỗ trợ lực lượng cửa khẩu.

Ngày 18/12/1968, đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn được thành lập với biên chế gồm hơn 40 chị em đều ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi.

laixe.jpg
Các nữ chiến sỹ lái xe Trường Sơn năm xưa trong ngày gặp lại

Sức vóc con gái, tuổi trẻ nhưng được giao nhiệm vụ nặng nề là chở vũ khí, lực lượng, lương thực từ Vinh (Nghệ An) vào giao tại các cửa khẩu đường: 12, 18, 20, 22...

Khi cần thiết, các chị phải vượt cửa khẩu giao cho chiến trường miền Nam, chở thương binh từ miền Nam ra miền Bắc điều trị… 

Nay đều đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ai nấy đều nhớ rõ những kỷ niệm nơi chiến trường năm xưa.

Bà Nguyễn Thị Thúy (ở xã Hạ Hồi, huyện Thường Tín, Hà Nội) kể lại:“Ở chiến trường, mọi người có khẩu hiệu: “Yếu còn hơn thiếu”. Các anh bộ đội yếu sức khỏe vẫn ở lại chiến trường chiến đấu thì mình cũng ở lại. Còn sức khỏe, còn chiến đấu”.

Hàng chục năm đã qua nhưng đến tận bây giờ, những tên dốc, tên ngầm, những cung đường trong trận chiến vẫn in sâu trong ký ức những Nữ lái xe Trường Sơn.

Quên sao được sự khốc liệt, hiểm trở như: Cao điểm 050, ngầm Cơn Siêu, ngầm Cha Lo…

Không chỉ là dốc cao mà mỗi chuyến đi đều là "sinh- tử", khi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm, những ngầm nước lên xuống thất thường, phía trên là bom bi, pháo sáng…

Những hình ảnh đó đã trở nên rất đỗi bình thường đối với Nữ lái xe Trường Sơn. Bà Lê Thị Bích Ngà (ở phường Linh Dương, TP Móng Cái, Quảng Ninh) kể, các nữ lái xe phải đi đêm. Tất cả các xe chỉ dùng đèn gầm để tránh bị địch phát hiện. Đường xá cheo leo, chị em thường phải nhìn cọc tiêu quét vôi trắng 2 bên đường làm mốc để cho xe chạy.

Bà Lê Thị Bích Ngà nhớ lại: “Có những ngầm, mức nước khoảng 1m – 1,2m vẫn phải đi qua, vì thương binh trên thùng, không đi thì thương binh chết đói. Đi qua ngầm, nếu không đều chân ga thì có thể bị nước cuốn trôi cả xe lần người”.

Bà Đỗ Thị Mùi (ở xã Sơn Động, thị xã Sơn Tây) khi ấy do vóc dáng nhỏ bé nên có sáng kiến kê một chiếc bi đông sau lưng để đẩy người về phía trước cho chân sát với chân ga.

Bà Đỗ Thị Mùi nhớ lại:“Khi ở đơn vị, bị địch phát hiện bắn xối xả, tôi phải lao xe vào bụi cây. May mắn, xe không lật. Lúc đó, chở thanh niên xung phong nhưng mọi người đều an toàn. Đường đi mùa mưa, rãnh sâu, có những hôm đập người vào tay lái, ngã xuống nhưng lại dậy để lái xe tiếp đến chiến trường kịp thời”.

Là một trong số 2 nữ lái xe vượt cao điểm giữa Việt Nam và Lào, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà Phạm Thị Phan (xã Thái Thuần, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là lần giao hàng xong, từ Lào quay trở về thì bị địch tấn công. Lúc đó bà mới 19 tuổi.

Khi đó một quả rốc-két bắn thẳng vào thùng xe làm Chính trị viên phó tên là Nam quê ở Nam Định hy sinh.

Lúc đó, bà đã khẩn cấp báo tin, rồi tự tay bà chôn cất đồng đội ngay trong đêm. Đó mới là những giây phút bà không bao giờ quên và càng trăn trở khi đến tận bây giờ vẫn chưa biết hài cốt của liệt sỹ Nam đã được đưa về quê hương hay chưa.

Trở về cuộc sống đời thường hôm nay, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi quê hương, nhưng các nữ chiến sỹ lái xe năm xưa vẫn phát huy tinh thần đồng đội, động viên con cháu làm ăn, học hành.

Các bà, các chị vẫn luôn giữ liên lạc, động viên thăm hỏi nhau khi ốm, khi đau như những ngày sát cánh bên những cung đường chết.

Càng khâm phục các chị hơn khi hiện nay trong số gần 40 nữ chiến sỹ của đơn vị Nữ lái xe Trường Sơn thì nhiều chị khi xuất ngũ tự đảm bảo cuộc sống khi không có lương trong hoàn cảnh già yếu./.