Tỉnh Quảng Nam có gần 426.000 ha rừng, chiếm khoảng 1/2 diện tích tự nhiên của cả tỉnh. Những năm gần đây, tình trạng phá rừng diễn ra ồ ạt khiến tài nguyên rừng của địa phương này ngày càng cạn kiệt, gây ra bao thảm họa cho cuộc sống của người dân. Chính quyền, ngành chức năng và người dân đất Quảng rất bức xúc trước thực trạng này vì đã tốn rất nhiều tiền của, công sức mà rừng vẫn tiếp tục bị băm nát.
Những can xăng, dầu phục vụ phá rừng vứt ngổn ngang tại hiện trường |
Thôn phá rừng
Thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhiều người dân địa phương gọi là thôn “lâm tặc” vì nhà nào trong thôn cũng có người vào rừng khai thác gỗ trái phép. Thôn nằm sát núi, thiếu đất canh tác nên người dân phải vào rừng kiếm kế sinh nhai. Chiều chiều, dạo quanh khắp thôn, chỉ thấy bóng dáng người già và trẻ nhỏ. Hỏi ra mới biết, thanh niên ở đây, số thì đi làm ăn xa, còn lại vào rừng lấy gỗ.
Vợ ông Trần Văn Dương, Trưởng thôn Thạnh Đại kể: Ở đây nhà nào cũng có người đi núi, thậm chí có gia đình cả nhà cơm đùm cơm nắm vào rừng khi trời chưa kịp sáng. Trước đây, họ đi về trong ngày, nhưng bây giờ rừng bị thu hẹp, muốn lấy gỗ phải vào tận rừng sâu, mỗi chuyến đi kéo dài dăm bữa, nửa tháng. Có lúc gặp kiểm lâm truy quét, họ ở luôn trong rừng cả tháng trời, chặt hạ cây rồi chờ qua đợt truy quét mới chuyển gỗ ra khỏi cửa rừng. Vợ trưởng thôn Thạnh Đại xót xa nói, “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”: “Dân cũng biết phá rừng là hại, cực lắm, lỡ là chết. Nhưng nếu không đi rừng thì lấy đâu tiền nhập lúa, tiền cho con đi học”.
Gốc chò hàng trăm năm tuổi còn nguyên vết cưa máy |
Từ thôn “lâm tặc” Thạnh Đại ở huyện Đại Lộc, ngược lên huyện vùng cao Nam Giang, chúng tôi tận mắt nhìn thấy hàng trăm ha rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ bị băm nát, xác xơ. Nhiều cây cổ thụ trốc gốc nằm chỏng chơ ven đường.
Tiếp tục cắt rừng, lội bộ theo sườn núi đi chừng hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi lại bắt gặp khá nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, đường kính cả mét, có cây to đến 4 - 5 người ôm không xuể cũng bị cưa chặt sát gốc. Khu rừng lim, sến, dổi, hương… gần như bị phá trụi, nhiều cây vừa bị chặt phá, vết cưa còn mới, nhựa cây ứa ròng ròng. Xung quanh lăn lóc những bình chứa dầu nhớt để chạy máy nổ, bừa bộn vỏ cá hộp, thịt hộp...
A Viết Đợi, một người dân ở xã Tabhing, huyện Nam Giang cho biết, càng vào sâu trong rừng, tình trạng khai thác gỗ trái phép càng dữ dội hơn. Tiếng cưa máy gầm rú suốt ngày đêm, biến những khu rừng gỗ quý hàng trăm ha thành bãi đất trống trơ trụi. Những “cánh rừng vàng” ở huyện Nam Giang rộng cả trăm ngàn ha, với nhiều loại gỗ quý hiếm là vậy mà nay chẳng còn lấy một cây nào đáng giá!
“Dân chúng tôi bức xúc lắm, gỗ quý bị phá hết rồi, chỉ còn lại gỗ tạp. Nhà nước có giấy cho phép khai thác gỗ làm nhà, nhưng còn đâu còn gỗ mà làm… Khu bảo tồn giờ chỉ bảo vệ cỏ chứ còn gì đâu” - Pơloong Hợp, một người dân địa phương rất bức xúc về tình trạng rừng của địa phương mình mỗi ngày một cạn kiệt.
Những bìa gỗ bị vứt lại trong rừng |
Ngành chức năng “bất lực”?
Hiện đang là mùa khô, việc vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông dễ bị phát hiện, nên lâm tặc dùng xe máy và trâu chuyển gỗ ra khỏi rừng. Có thời điểm cả 1.000 con trâu cùng kéo gỗ cho lâm tặc. Để dễ qua mặt lực lượng chức năng, lâm tặc thường xẻ gỗ thành những tấm nhỏ, thuê dân địa phương cõng ra cửa rừng rồi tìm cách đưa đi tiêu thụ. Thời điểm hoạt động rầm rộ của lâm tặc thường từ nửa đêm về sáng. Bọn chúng đi thành từng nhóm chục người, có khi vài ba chục, trong đó cắt cử 4 - 5 người đi vòng ngoài cảnh giới, có động tĩnh gì lập tức báo ngay cho trưởng nhóm, rút vào rừng ẩn náu.
Anh A Viết Đợi, dân quân xã Tabhing, người đã nhiều lần tham gia truy quét gỗ lậu cho biết: “Thủ đoạn của lâm tặc rất tinh vi, chúng thường đi vào ban đêm. Những lâm tặc này người dân biết, chính quyền địa phương không thể không biết. Tuy nhiên, cứ mỗi lần dân báo, chính quyền và ngành chức năng tiến hành truy quét gỗ lậu, thì lâm tặc đều biết trước và tìm cách tẩu tán”.
Ngoài nạn phá rừng lấy gỗ, tình trạng khai thác khoáng sản rộ lên trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Nam càng khiến tài nguyên rừng cạn kiệt. Rồi chuyện phá rừng làm thủy điện rầm rầm ở khu vực phía Tây cũng làm mất hàng ngàn ha rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Hơn 60 nhà máy thủy điện lớn nhỏ được xây dựng chằng chịt ở thượng nguồn 2 con sông Vu Gia, Thu Bồn. Làm thủy điện thì phải phá rừng. Hàng chục máy ủi, máy xúc, máy bơm tốc độ cao... cứ rầm rầm cày xới, san đồi, bạt núi, băm nát những cánh rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng làm rẫy, trồng cao su, làm khu tái định cư... cũng đã và đang xóa sổ nhiều diện tích rừng. Mỗi năm, hàng trăm ha rừng bị hủy hoại nghiêm trọng, ảnh hưởng môi trường, dân sinh; hạn hán, lũ lụt vì thế ngày càng khốc liệt.
Gốc chò 3 - 4 người ôm đã bị triệt hạ |
Rừng đang bị rút ruột từng ngày, từng giờ; trong lúc đó, ngành chức năng vẫn tỏ ra “bất lực” trước thực trạng này. “Lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát nổi, lâm tặc hoạt động rất phức tạp, thủ đoạn và manh động. Đã có 11 vụ chống người thi hành công vụ, tăng hơn năm ngoái 6 vụ” - Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam Phạm Thanh Lâm, thừa nhận.
Người dân phá rừng vì kế sinh nhai, lâm tặc hoành hành, gỗ lậu nườm nượp tuồn về xuôi theo mọi ngả đường. Rừng Quảng Nam đã và đang bị tàn phá nặng nề kéo theo nhiều hiểm họa khó lường về biến dạng hệ sinh thái, tăng nguy cơ khan hiếm nước, biến đổi khí hậu và tiềm ẩn nhiều thảm họa từ thiên tai./.