Trong chuyến hành trình ngược quốc lộ 2 từ Thủ đô lên mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Hà Giang, để tìm hiểu sự đổi thay trong đời sống nông thôn vùng cao nơi đây, tại thị xã Hà Giang, chúng tôi được thưởng thức “Fìn Hò Trà”. Nghe dân bản địa giới thiệu đây là một trong những loại chè đặc sản của địa phương đã có thương hiệu, nhưng các thành phố lớn chúng tôi đã đi qua lại chưa từng gặp. Sự gợi ý này thôi thúc chúng tôi quyết định rẽ gần 100 km đường đèo vào huyện Hoàng Su Phì để tìm hiểu nguyên do. 

Từ thế mạnh đất chè đặc sản ...

Dọc đường chúng tôi vào huyện Hoàng Su Phì, ngoài bạt ngàn rừng núi, phải kể đến sự xuất hiện của chè. Tất nhiên, nhiều chè vì nơi đây được xác định là một trong những vùng nguyên liệu chè, đặc biệt là chè cổ thụ Shan tuyết đặc sản vào bậc nhất phía Bắc. Đang vụ hái chè nên khi tới địa bàn xã Thông Nguyên, lúc lúc chúng tôi lại gặp những chiếc xe máy lao đi vun vút chở theo sau là những bao tải chè tươi rẽ sang những hướng khác nhau.

shantuyet1.jpg

Người dân thôn Làng Giang thu hoạch chè

Chúng tôi đem sự tò mò về “đường đi” của chè nơi đây hỏi ông Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, ông khoe: “Fìn Hò Trà là đặc sản người Dao mình làm ra. Chè có tiềm năng kinh tế lớn nhất của xã mà. Đồng bào ở đây sống chủ yếu nhờ chè thôi. Chè được chúng tôi chọn là cây chủ lực phát triển kinh tế trong chiến lược xây dựng nông thôn mới của xã đấy”.

Không thể phủ nhận rằng, thiên nhiên ưu ái ban cho Thông Nguyên giống chè quý- chè Shan tuyết. Nơi đây thuộc danh sách vùng chè Shan lâu đời nhất nước ta. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tiến hành điều tra chè ở Hà Giang và đặc biệt chú ý những cây chè cổ thụ vùng cao, trong đó có chè ở khu vực Thông Nguyên. Giống chè này có lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Đây là một vùng cung cấp nguyên liệu sạch để chế biến chè thương phẩm “Fìn Hò Trà”. Bởi vì hiện tại, đồng bào (người Dao là chủ yếu) ở đây vẫn chỉ thu hoạch chè từ tự nhiên, không sử dụng phân hoá học, không thuốc bảo vệ thực vật. Nguồn gốc chè sạch dễ tạo cảm giác an toàn cho người tiêu dùng, phù hợp với xu hướng chung của thế giới là hướng đến tiêu dùng các sản phẩm sạch.

Thêm nữa, đồng bào dân tộc bản địa gắn bó với cây chè nhiều đời, sống dựa vào chè, giữ nghề làm chè nếu nó thực sự mang lại lợi ích ấm no cho họ. Chị Lý Thị Diều, người thôn Làng Giang bộc bạch: “Mình thích làm cái cây chè nhất, nó quen rồi. Ở đây ai cũng thế thôi, nếu bán được chè và giá đắt lên thì ai cũng làm chè thôi, nếu làm mà không bán được thì phải bỏ, làm cây khác, nhưng tiếc lắm.... ”.

Hiện tại, xã Thông Nguyên có hơn 150 ha chè cổ thụ, loại trên núi cao hơn 1000 m so với mực nước biển, độ tuổi cây chè khoảng trên 200 năm. Bên cạnh đó, hàng trăm ha chè đã được trồng mới và chuẩn bị cho thu hoạch. Cả xã hiện có 678 hộ gia đình (hơn 3200 nhân khẩu), trong đó hơn 70% số hộ có chè, sống dựa vào cây chè. Mỗi năm có thể cung cấp hàng ngàn tấn nguyên liệu.

... đến thương hiệu “Fìn Hò Trà”

Thực tế “Fìn Hò Trà” là cái tên chưa thực sự gây ấn tượng mạnh rộng rãi  đối với người tiêu dùng nói chung và những người sành thưởng thức trà nói riêng, mặc dù loại chè này đã đăng ký thương hiệu từ năm 2009.

Nếu như cách làm chè phổ biến kiểu “thói quen chủ nghĩa” tồn tại trong đa số đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thì “đường đi” của chè đến với thương hiệu “Fìn Hò Trà” cũng “dò dẫm” không kém.

Trong số những người tiên phong tìm cách khẳng định giá trị cho sản phẩm chè của xã Thông Nguyên có ông Lý Chòi Nhàn. Bản thân ông Nhàn là dân bản địa, từ bé lớn lên cùng đồi chè, sống dựa chủ yếu vào chè. Ông sớm ý thức và nung nấu ý tưởng phải giữ gìn và phát huy giá trị của thứ nông sản quý này. Nhưng rất nhiều năm, bản thân ông cũng như hàng trăm dân địa phương không hề biết thế nào là “quy trình sản xuất, chế biến chè”. Ở đây, tất cả đều làm chè theo thói quen, kinh nghiệm truyền đời rất tự nhiên. Tự hái, tự chế biến thủ công, tự bán,... giá cả bèo bọt, phụ thuộc vào tư thương thu mua. Nhà nào làm ra chè khô cũng chẳng biết đóng gói, cứ để ở chậu thau, bao tải hay bất cứ thứ gì có thể chứa được chè, và có làm cũng “buổi đực buổi cái”, thích thì làm, không thì thôi. Nhiều khi bà con hái chè về rồi bỏ không chế biến, bảo quản, không thấy có người đến mua thì thôi, thậm chí bỏ mặc đồi chè mùa cho lộc.

Sau những chuyến ra thành phố, thị xã mua chè, uống chè, ông Nhàn nhận thấy rằng, có nhiều loại chè không ngon, không quý như chè ở thôn Fìn Hò, nhưng người ta đóng gói, có bao bì đẹp và có tên tuổi, địa chỉ xuất xứ cụ thể và đem đi xa bán thì giá cao hơn nhiều so với chè của quê mình. Sự thức tỉnh về giá trị lợi ích của cây chè không chỉ nằm trong vị, hương, sắc của chè mà còn ở cả “cái khác” như cách đặt tên, làm bao bì,... khi bán.

Ông Lý Chòi Nhàn giới thiệu sản phẩm Fìn Hò Trà

Điều đó thúc đẩy ông nghĩ đến việc vận động bà con, anh em và đặc biệt là chính quyền địa phương tìm cách tạo ra những “cái khác” cho chè của Thông Nguyên. Và ý tưởng thành lập một hợp tác xã (HTX) chế biến chè tại địa phương hình thành để “chè không bán bằng từng bọc, bao tải, không để trong rổ rá, xoong nồi,... nữa mà phải có hộp, có tên giống như chè nơi khác”.

Thêm nữa, khoảng năm 2007, có một công ty đến đóng trên địa bàn xã với danh nghĩa để thu mua nguyên liệu và chế biến chè nơi đây. Nhưng công ty này không thu mua chè tươi của đồng bào trong xã mà trên thị trường xuất hiện những gói chè mang tên chè của địa phương. Nhận thấy công ty này núp bóng tên chè, dựa vào chất lượng chè ngon của thôn Fìn Hò để lấy nguyên liệu nơi khác về chế biến và đóng gói bán, chính quyền và nhân dân địa phương đã đấu tranh loại bỏ công ty đó khỏi địa bàn.

Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã xúc tiến việc cho thành lập  HTX chế biến chè Phìn Hồ. Tuy nhiên, cái khó nảy sinh ở nhận thức của đồng bào, chủ thể trong việc tạo ra nguyên liệu chế biến chè. Khi vận động bà con tham gia HTX, họ bảo: “Không có cái hợp tác, tao vẫn sống bình thường, giờ có cái hợp tác vẫn vậy thôi, việc gì tao phải vào hợp tác”- anh Nhàn nhớ lại.

Nhưng rồi nhờ sự vận động của cán bộ địa phương, sự tuyên truyền tác động của những người tâm huyết muốn phát triển cây chè đã giúp đồng bào dần hiểu ra rằng, không có HTX thu mua và chế biến tập trung, không có sự hướng dẫn kỹ thuật, bà con không chế biến chè đúng quy cách, năng suất và chất lượng không cao, giá bán sẽ thấp, và bị tư thương ép giá, bàn con được ít tiền. Rồi nhiều hộ gia đình cũng nhận nhận ra được cái lợi của HTX, nên 30 hộ đã xung phong góp diện tích 50 ha chè để gia nhập HTX, thậm chí còn tự nguyện đóng góp tiền của và công sức vào xây nhà máy chế biến chè. Và, cuối năm 2008, HTX chế biến chè Phìn Hồ ra đời để thu gom chè của 13 thôn, bản với mức vốn đầu tư xây nhà xưởng và mua máy móc gần 1,5 tỷ đồng. Sau 1 năm hoạt động, thấy hiệu quả, giá bán chè cao hơn, thu hoạch và chế biến chè theo quy cách được hướng dẫn đạt năng suất cao hơn nên nhiều hộ gia đình xin gia nhập thêm. Vì thế, đến nay có 42 hộ tham gia HTX, tổng diện tích chè trong HTX đang có 150 ha. Sau chặng đường dài dò dẫm gây dựng, HTX thu mua và chế biến chè tập trung ra đời là một thành công của địa phương.

Khi chào bán chè thành phẩm, HTX đã bắt đầu làm thị trường bằng cách in tờ rơi đem đến các cửa hàng, đại lý,... để giới thiệu, đồng thời ký gửi chè nhờ bán. Không lâu sau, khách hàng trên địa bàn Hà Giang tìm đến HTX để mua hàng và đánh giá cao chất lượng chè nơi đây. Trước thực tế này, HTX cũng xoay sở làm thủ tục đăng ký và được chứng nhận thương hiệu độc quyền chè mang tên “Fìn Hò Trà”.

Những tưởng, với những thế mạnh như nói ở trên, lẽ ra sau khi có đăng ký thương hiệu, “Fìn Hò Trà” phải “cất cánh” mở rộng thị trường. Song, đến nay thương hiệu chè này vẫn khá xa lạ với người tiêu dùng ở các tỉnh thành khác trong nước và chưa tiếp cận chính thức được thị trường quốc tế. Ông Nhàn trăn trở: “Chúng tôi chưa biết cách nào để phát triển thương hiệu mạnh lên, mặc dù nguồn nguyên liệu không phải thiếu”.

Với tư cách vừa là cán bộ xã, vừa là người lớn lên từ chè, hiện tại đang phụ trách điều hành HTX chế biến chè duy nhất tại địa phương, sự trăn trở của ông Nhàn hẳn không phải vô cớ. Bởi đời sống của bà con dân bản vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi đó giá chè trên thị trường không rẻ, lượng tiêu thụ không ít. Chứng tỏ thương hiệu chè này mới chỉ dừng lại ở giai đoạn tạo tên trên danh nghĩa pháp lý, hiệu quả thực tiễn trong xoá đói giảm nghèo chưa cao, khả năng khai thác thương hiệu chưa tốt. Do đó, chắc chắn cả chính quyền địa phương, ban quản trị HTX và đồng bào làm chè phải cùng tham gia tìm cách giải bài toán phát triển thương hiệu về chất./.

Kỳ 2: Loay hoay phát triển thương hiệu