Để đất phơi nắng, dân không đồng tình
Dự án khu đô thị mới Quế Võ do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ, thuộc Tổng Công ty xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng diện tích 56ha, trong đó 40ha của xã Phượng Mao, 16ha của xã Phương Liễu. Theo chủ trương của tỉnh Bắc Ninh, khu đô thị mới Quế Võ sẽ được xây dựng thành một khu đô thị điển hình. Điểm nhấn và cũng là nét ấn tượng nhất toát ra từ khu trung tâm với hồ nước rộng do 4 hồ nhỏ kết hợp với cây xanh và các công trình dịch vụ văn hoá. Sự phối hợp này tạo nên lá phổi xanh cho toàn khu đô thị, hình thành môi trường sống gần gũi với thiên nhiên. Mặc dù được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt quy hoạch từ năm 2003, nhưng đến nay khu đất này mới chỉ san lấp mặt bằng. Sau 3 lần điều chỉnh quy hoạch, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng cả dự án.
Ông Nguyễn Vân Phú, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao cho biết: “Lúc đầu, nhà đầu tư cam kết sau khi có mặt bằng sẽ tiến hành xây dựng luôn và cam kết hỗ trợ địa phương xây nhà văn hóa, tuyển lao động, làm đường giao thông, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được lời hứa nào”. Theo ông Phú, một khi khu Tây Hồ không được triển khai thì không thể tuyển được lao động. Quan điểm của xã là đề nghị Công ty Tây Hồ sớm triển khai, nếu không có khả năng thì chuyển giao cho chủ đầu tư khác. Chứ để đất phơi trắng như vậy, dân không đồng tình.
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, với những khu đất để hoang sử dụng lãng phí trong thời gian dài, thanh tra đất đai thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát lại toàn bộ rồi lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh có quyết định thu hồi. Sau đó, tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân tự kiểm tra, điều chỉnh phương án sử dụng đất... Nếu không khắc phục được, thành phố sẽ tiến hành thu hồi rồi mời các nhà đầu tư khác vào tham gia đấu giá. Quy định rõ ràng như vậy, dự án khu đô thị mới Quế Võ đã được bàn giao mặt bằng cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ từ năm 2004 đến nay đã 5 năm nhưng vẫn chưa tiến hành dự án, mới chỉ trồng vài cây keo lấy lệ.
Hầu hết đất trồng lúa của xã Phượng Mao đã được thu hồi phục vụ dự án này, cá biệt có những thôn mất 100% diện tích đất như thôn Mao Trung, Mao Dộc... Dẫn chúng tôi ra khu đất đổ cát trắng xóa, Trưởng thôn Mao Trung Trần Mạnh Hùng nhẩm tính: “Nếu cứ để dân chúng tôi cấy hái thì với diện tích này, mỗi năm dân chúng tôi cũng thu được 600 tấn thóc. Để không 5 năm như vậy, dân không có việc làm. Nếu chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi lại rồi giao cho người khác làm để nhân dân có việc làm”.
Theo ông Hùng, từ tháng 2/2005 đến đầu năm 2006, khi công ty chưa thực hiện, dân ra cấy. Vậy mà, công ty đã cho máy ủi ra ủi hết lúa của dân, rồi toàn bộ hệ thống mương máng nên nhiều diện tích xung quanh khu vực dự án đều không thể cấy hái được nữa vì ngập nước. Ngay khu đất sinh sống của người dân, cứ hễ có mưa là ngập chìm trong nước, có nơi kéo dài hàng tháng trời. “Lúc đầu, công ty về hứa tạo bộ mặt đô thị, ai cũng mừng và giao đất. Nhưng 5 năm rồi mà công ty không thực hiện một lời hứa, một cam kết với dân, chẳng phải là lừa dân hay sao?” - Trưởng thôn Trần Mạnh Hùng bức xúc.
Lo dân tái nghèoBà Lường Thị Loan, 92 tuổi, thôn Mao Trung lặng người trước vườn nhãn 8 cây chết vì ngập nước |
Ông Phú cho biết: “Dân nhận tiền đền bù xong, nhiều hộ đã tiêu hết nên UBND xã rất lo lắng về khả năng tái nghèo trong những năm tới. Đặc biệt những hộ mất hết ruộng, không có công ăn việc làm”. Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng thôn Mao Trung cho hay: “Nhiều hộ nâng cấp nơi ăn ở, gửi ngân hàng, nhưng nay đã có khoảng 60-70% số hộ cạn kiệt về nguồn tài chính, đời sống rất khó khăn. Lớp thanh niên cứ vào công ty làm công nhân 1-2 năm lại bị thải ra. Lo lắng nhất là hơn 300 lao động phụ nữ trong độ tuổi nhưng khó kiếm việc làm, vào công ty thì không đáp ứng đủ điều kiện của các công ty tại KCN Quế Võ”.
Chủ tịch UBND xã Phượng Mao Nguyễn Vân Phú: Hằng năm, phát triển các mục tiêu của địa phương, không gì nổi lên và gay cấn bằng dự án Tây Hồ. Nhiều người bức xúc vì dự án không thực hiện ngay thì nên để mặt bằng cho dân địa phương canh tác, tạo nguồn lương thực. Còn khi công ty có đủ nguồn lực thì san lấp, thực hiện ngay dự án, từng bước hình thành mô hình kinh tế mới để dân có việc làm, đó mới là quan hệ hài hòa. |
Gia đình nhà ông Đỗ Văn Nin, ở thôn Mao Trung có 9 khẩu, 4 người đi làm, còn 5 người không có việc, ở nhà. Tuy nhiên, do trình độ học hành của các cháu không cao nên vào làm ở công ty chỉ được một thời gian lại bị thải. Ví dụ như cháu Nguyễn Thị Thúy, con dâu của anh Nin. Khi chưa lấy chồng thì cháu làm việc ở công ty. Lấy chồng, sinh con rồi thì công ty đuổi, không cho làm tiếp. Điều này khiến gia đình rất nhức nhối vì ảnh hưởng tới tương lai cuộc sống của gia đình. “5 khẩu không có việc làm phải đi mò cua, bắt ốc, trồng rau cỏ trong vườn đem đi bán” - ông Nin cho biết.
Do không có đất trồng cấy, gia đình ông Lương Gia Cải, Chi hội phó Chi hội nông dân thôn Mao Trung phải tận dụng khoảng sân ít ỏi của gia đình để trồng sả và gừng tăng thu nhập. “Năm nay gia đình thử cho đất vào bao trồng ít xả, gừng. Trồng được 500 bao, nếu thành công thì sẽ nhân rộng ra cho bà con trong thôn. Do ruộng đồng không còn thì phải tận dụng thôi, thậm chí gia đình còn tận dụng cả trần nhà để trồng xả, gừng” - ông Cải cho biết./.