Từ năm 2012, TP HCM đã triển khai công tác cai nghiện ma túy dựa vào gia đình và cộng đồng. 244/322 phường xã, thị trấn đã lập Tổ công tác cai nghiện ma túy và hình thành 5 tổ tư vấn cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2014, nếu không tính số lượng cai nghiện tại Trung tâm tư vấn cai nghiện ma túy và các cơ sở cai nghiện tư nhân thì toàn thành phố chỉ có 43 người tham gia mô hình cai nghiện ma túy dựa vào gia đình và cộng đồng. Trong đó chỉ có 12 người thành công và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện. Nếu so với tổng số hơn 19.000 người nghiện của thành phố thì đây quả là con số vô cùng ít ỏi. Phóng viên VOV thường trú tại TP HCM có loạt bài đề cập vấn đề: Cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở TP HCM - vì sao không hiệu quả?

Theo Nghị định 94/2010, người nghiện hoặc gia đình phải có trách nhiệm đăng kí cai nghiện tại gia đình hoặc tại cộng đồng. Tuy nhiên, tại TP HCM, người nghiện và gia đình lại rất ít khi tự nguyện đăng kí tại địa phương vì sợ sự kỳ thị của cộng đồng. Thay vào đó, nhiều người lựa chọn hình thức cai nghiện tự nguyện, có đóng tiền tại các trung tâm cai nghiện.

anh_3_icrm.jpg
Một người bố đưa con đến thực hiện cai nghiện tự nguyện tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy

Ông Lê Văn Lộc, quận Bình Thạnh đưa con trai đến cai nghiện tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện TP HCM cho biết:  “Trong gia đình có 1 thành viên nghiện ma túy thì ảnh hưởng lớn nhất là về kinh tế. Gia đình tôi đưa con đến trung tâm cai nghiện vì ở đây có chuyên môn”.

Nếu như ở tại phường, xã, thị trấn, việc tự đăng ký cai nghiện chỉ đếm trên đầu ngón tay thì ở một nơi đăng ký tự nguyện và được bảo mật thông tin cá nhân như Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy thành phố trực thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP HCM thì số lượng cũng rất khiêm tốn.

Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm mô hình này, Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy chỉ tiếp nhận và điều trị cho 150 lượt người, với 130 bệnh nhân. Trong đó, có tới gần 75% lượt bệnh nhân tự ý bỏ dở chương trình điều trị và chưa có bệnh nhân nào hoàn thành toàn bộ nội dung tư vấn. Ngoài ý thức tự giác của người nghiện thì khả năng chi trả cũng là rào cản không nhỏ. Mức phí trung bình một tháng ở nơi này vào khoảng 5 triệu đồng, được xem là hợp lý nhất nếu so với mức phí khoảng 8-9 triệu/tháng ở các cơ sở cai nghiện tư nhân.

Việc cai nghiện tại cộng đồng kém hiệu quả còn nằm ở chính môi trường xã hội đầy những cám dỗ. Nhiều người nghiện cho biết, việc mua bán ma túy hiện nay rất dễ, mua loại nào cũng có và được giao hàng tận nơi. Chính vì vậy mà số người đã từng đi cai nghiện bắt buộc ở các trường, trung tâm sau khi trở về tái nghiện rất cao.

Những người nghiện công khai chích ma túy tại trước cổng Bệnh viện Ung bướu TP HCM

Nguyễn Hải Anh - người từng đi trường cai nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện cho biết:  “Ở trong trường không chơi ma túy là mình xác định tư tưởng: không có thì làm sao chơi. Tuy nhiên, khi người nghiện về hòa nhập với xã hội, vẫn có người mời gọi bán thuốc nên người đã đi cai dễ tái nghiện. Nếu ai vững vàng ý chí thì chỉ được 1-2 tháng đầu nhưng sau đó vẫn tái nghiện”.

Trong khi vấn đề cai nghiện tự nguyện đang còn bị bỏ dở  thì việc quản lý những người nghiện tại địa phương hiện nay được xem là dậm chân tại chỗ. Khi xuất hiện người nghiện hoặc người bị tái nghiện, nếu như trước kia, trong vòng 6 tháng sau khi phát hiện, địa phương có thể đưa đi cai nghiện, nhưng bây giờ phải qua tòa án nên công an hay tổ cán sự xã hội rất khó làm việc với những người nghiện.

Chị Lê Thị Ngà, Tổ trưởng tổ bảo vệ khu khố 6, phường  Cầu Kho, quận 1 cho biết:“Địa bàn dân cư rất khó khi xử lý những em tái nghiện. Dân cứ kêu mình bao che,  không biết xử lý, không phải người dân nào cũng ngồi giải thích cho họ được. Những người nghiện ma túy cũng hết sức manh động và tiếp tục sử dụng ma túy một cách nhởn nhơ”.

Công tác quản lý người nghiện ma túy hiện nay chủ yếu được quy định bởi 4 văn bản Luật là Nghị định 94, Nghị định 167, Nghị định 221 và Nghị định 111. Tuy nhiên, những văn bản này còn chưa có những hướng dẫn chi tiết như về biểu mẫu, về hướng dẫn tổ chức thành lập các tổ chức xã hội quản lý người nghiện. Một số quy định rất khó thực hiện trong thực tế như: quy định về thành phần họp xét duyệt việc áp dụng giáo dục tại phường, xã phải có sự tham gia của người nghiện, nếu không sẽ phải hoãn cuộc họp. Có quy định lại chồng chéo lên nhau.

Người nghiện ma túy cùng một lúc chấp hành 2 quyết định của chính quyền địa phương. Đó là giáo dục tại phường xã thị trấn kéo dài từ 3 đến 6 tháng theo Nghị định 111 và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ 6 đến 12 tháng theo Nghị định 94. Do vậy, sau khi hết thời gian giáo dục tại phường xã, thị trấn thì người nghiện phải chờ thêm cho hết thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì mới được đưa đi cai nghiện bắt buộc tập trung. Việc xác định tình trạng nghiện để có cơ sở đưa đi cai nghiện bắt buộc cũng khó thực hiện tại trạm y tế xã vì bác sĩ  không có thẩm quyền giữ người nghiện ở lại để làm các xét nghiệm.

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng: “Hiện không có biểu mẫu thì khó kê khai được. Cho nên việc quan trọng nhất là các Bộ, ngành phải có hướng dẫn. Nếu có hướng dẫn rồi thực hiện làm, làm được tới đâu sau đó có đánh giá. Hiện không có hướng dẫn anh em làm không được. Việc này là phải huy động cả hệ thống chính trị, vận động gia đình để phối hợp quản lý giáo dục con em”.

Theo dự báo của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP HCM, trong những tháng tới, lượng người nghiện ra trại lên đến con số hàng nghìn người. Trong khi đó, số người nghiện đang ở trong cộng đồng là khoảng 4.500 người. Làm sao để quản lý những đối tượng này là vấn đề làm đau đầu cơ quan Nhà nước, trong bài 2 của phóng sự, mời quý vị và các bạn tìm hiểu những giải pháp được đưa ra để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở TP HCM./.