Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thời gian qua, với những biện pháp phòng chống dịch, triển khai quyết liệt Chỉ thị 16, TP.HCM đã đảm bảo giám sát dịch tễ, khoanh vùng, kiểm soát được các khu cách ly và thu dung điều trị cho các trường hợp nhiễm Covid-19. TP cũng đề xuất chỉnh sửa một số chính sách đối với các khu cách ly F1, F0 và các biện pháp kiểm soát trong các cơ sở cách ly tập trung, cách ly y tế tại TP.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, việc dự báo khó khăn, đỉnh dịch cách đây 5 ngày là hơn 5.000 ca và trong 3 ngày vừa qua xuống hơn 3.000, hiện tại chưa có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, trong 10 ngày tới phải tiếp tục áp dụng quyết liệt những biện pháp chống dịch.

Đỉnh dịch của Thành phố có đạt được hay không thì phụ thuộc năng lực ngành y tế, của cả hệ thống chính trí và nhận thức của người dân. Với những điều kiện mà TP đang triển khai thì hy vọng dịch bệnh sẽ giảm trong 7-10 ngày tới, khi đã thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, hiện TP đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn việc thực hiện Chỉ thị 16 nhằm đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng. Vì vậy TP mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương, đặc biệt là Tổ công tác đặc biệt của các Bộ tại TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP đề nghị các bên cần có sự bàn bạc kịp thời, thống nhất để có phương án, giải pháp hiệu quả để cùng chung tay thực hiện các biện pháp giám sát theo Chỉ thị 16.  

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM. So với Bắc Giang, TP.HCM có sự khác biệt lớn về điều kiện kinh tế-xã hội, vì vậy Chính phủ chia sẻ với những khó khăn và vất vả của nhân dân TP. Mặc dù đứng trước thách thức rất lớn, thời gian qua TP đã rất nỗ lực chống dịch, song cần phải tiếp tục cố gắng bóc tách F0 khỏi cộng đồng, không để ca nhiễm lây lan nhanh ra những đối tượng có bệnh nền do chủng Delta gây ra diễn biến rất nhanh đối với các trường hợp này,  mặc dù với tỉ lệ không nhiều, nhưng nguy cơ tử vong đối với họ rất cao. Để làm được việc này, TP cũng phải chuẩn bị được các trung tâm thu dung F0 với số lượng rất lớn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc giãn cách thì phải đòi hỏi nghiêm khắc, mặc dù nhiều địa bàn giãn cách rất khó nhưng vẫn phải siết chặt. Đối với một số địa bàn quá đặc thù thì tiến tới việc thực hiện cách ly mạnh mẽ hơn, để làm chậm đà lây lan của dịch bệnh.

Bên cạnh tiếp tục các chiến lược như Bộ Y tế đã đề ra đối với các khu vực có nguy cơ, các lực lượng cần nỗ lực hơn nữa, thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thậm chí với tần suất cao hơn đối với những khu vực hiện là “vùng xanh”, củng cố từng khu vực từ nhỏ đến lớn. Việc cam kết mở rộng vùng xanh, vùng an toàn là một nỗ lực rất lớn của TP, cần đẩy mạnh hơn nữa.

Về công tác xét nghiệm tại TP.HCM, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian này đã đi vào quy củ và hiệu quả. Hiện nay thách thức lớn nhất của TP là làm sao giảm được tỉ lệ những ca F0 có diễn biến nặng, từ nặng chuyển thành rất nặng. Phó Thủ tướng đánh giá cao việc TP trang bị hệ thống oxy cho các trung tâm thu dung F0, vì những F0 bắt đầu có triệu chứng nếu có thể thở oxy ngay thì tỉ lệ chuyển biến thành rất nặng sẽ ít hơn, giảm nguy cơ tử vong. TP cũng phải sẵn sàng cho tình huống số F0 tiếp tục tăng, mặc dù đã có các biện pháp “giải phóng” các F0 khi không còn nguy cơ lây lan cho cộng đồng.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ dành ưu tiên tối đa về trang thiết bị cho TP.HCM, tuy nhiên, qua đề xuất của TP với 18 hạng mục, nhiều thiết bị rất khó mua, vì vậy phải tranh thủ các trang thiết bị sẵn có và cố gắng giảm tình trạng F0 triệu chứng nhẹ trở nên nặng. Đồng thời làm sao trong các khu thu dung F0, bệnh nhân có điều kiện được vận động, rèn luyện. Nhân viên y tế theo dõi sát các trường hợp này. 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương để áp dụng các cơ chế mua sắm đặc biệt, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa trang thiết bị, đặc biệt là vật tư tiêu hao, thiết bị cho tuyến đầu chống dịch, đảm bảo các khu điều trị nặng.  "Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo các bệnh viện trên địa bàn TP, các khu điều trị bệnh nặng, không kể là bệnh viện trung ương hay là của thành phố, không phân biệt đã tự chủ tài chính hay chưa, dứt khoát không thể thiếu đồ bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế", Phó Thủ tướng nói.

Về vấn đề vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dự kiến đến cuối năm, nước ta sẽ đủ vaccine để tiêm cho 70% dân số. Từ nay đến tháng 8, lượng vaccine về không nhiều, song với tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ sẽ ưu tiên tối đa phân bổ số lượng vaccine lớn nhất cho TP.HCM./.