Chiều nay (20/6), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm chủ trì cuộc họp với các Bộ ngành liên quan, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

vu-duc-dam-1_cwxt.jpg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, 6 tháng qua, cơ quan chức năng đã ban hành Thông tư liên tịch số 13, phân công rõ ràng trách nhiệm quản lí an toàn thực phẩm giữa 3 Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải quyết được vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm còn phổ biến, gây nhiều bức xúc trong dư luận. 
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, điều đáng lo ngại hiện nay là cơ quan chức năng ngại bắt giữ thực phẩm độc hại cũng như thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu vì không còn chỗ để chứa và thiếu kinh phí để tiêu hủy.

 

Cũng liên quan đến xử lí vi phạm về an toàn thực phẩm, báo cáo của Ban chỉ đạo cho biết, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm còn phổ biến với 21,3% cơ sở được kiểm tra lần đầu xếp hạng C. Tỉ lệ vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn cao. Số cơ sở vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm do cấp xã quản lý còn cao, chiếm gần 82%. Số người mắc và chết vì ngộ độc thực phẩm tăng so với cùng kì năm ngoái. Trong khi đó, thủ đoạn kinh doanh thực phẩm nhập lậu của tội phạm ngày càng tinh vi.

Theo Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, những mặt hàng nhập lậu vào nước ta thường được tập kết tại các kho, các tụ điểm, sau đó đóng gói và mang nhãn hiệu của Việt Nam. Các đối tượng phạm tội lợi dụng nhu cầu sử dụng hàng trong nước của người dân, từ bánh kẹo đế hoa quả để trục lợi. Vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 1 cơ sở đóng dấu giả cho gà nhập lậu để tiêu thụ. Các đối tượng rất tinh vi làm dấu giả nhưng dấu của Thú y tỉnh Hà Tây cũ nên không cấu thành tội làm hàng giả và làm giả giấy tờ của nhà nước, nên chỉ xử phạt hành chính.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế bổ sung quy định thường xuyên lấy mẫu nước phục vụ ăn uống tại các khu dân cư để kiểm nghiệm; sau đó công bố kết quả và cảnh báo đến cộng đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hơn nữa đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm lâu dài từ hóa chất tồn dư và thuốc bảo vệ thực vật. 

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, vì sao nước ta có đầy đủ hệ thống cơ quan quản lí nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhưng vẫn phổ biến tình trạng sử dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục? Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thanh tra đến nơi đến chốn, chọn điểm để xử lí vi phạm, rồi nhân ra diện rộng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chống nhập lậu nguyên liệu và thực phẩm dứt khoát phải làm và làm thật chặt. Triển khai thực hiện việc này rất khó, khó từ lực lượng, cơ chế đến luật pháp xử lí phải đồng bộ nhưng chúng ta phải cố gắng thực hiện. Dứt khoát cơ quan chức năng phải có một báo cáo, một kế hoạch để khắc phục tình trạng phát hiện vi phạm mà không xử lí. Tình trạng “nhắm mắt cho đi còn hơn xử lí” là không thể chấp nhận được”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các ngành chức năng và địa phương đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, chú trọng cảnh báo những nguy cơ mất an toàn thực phẩm đến người dân./.