Ngày 3/8, tại Hội nghị sơ kết tư pháp 7 tháng của năm 2017, ông Phạm Thanh Cao, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội thông tin, thời gian vừa qua, công tác cải cách tư pháp đã được các sở, ngành, quận huyện triển khai tương đối chủ động.

Trong 7 tháng của năm 2017, Sở Tư pháp Hà Nội đã tiến hành rà soát, đơn giản thủ tục hành chính với các nhóm thủ tục hành chính như: an toàn thực phẩm, quy hoạch kiến trúc, bảo trợ xã hội, chính sách người có công và toàn bộ thủ tục hành chính liên thông, chăn nuôi, trồng trọt, thủy lợi, đê điều, khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

hop_so_tu_phap_hgrd.jpg
Ông Phạm Thanh Cao, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội phát biểu tại hội nghị
Cũng theo ông Cao, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho người dân trong lĩnh vực tư pháp được mở rộng trên địa bàn TP bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, giảm thời gian, chi phí của người dân khi thực hiện tại các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng thừa nhận, hiện công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và thực hiện pháp luật còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, hiệu quả công tác thực hiện pháp luật ở một số quận, huyện chưa có nhiều chuyển biến, chưa phản ánh đúng những khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật.

“Chưa kể việc quản lý Nhà nước về bổ trợ tư pháp mặc dù đã được tăng cường nhưng còn chưa được bao quát, chưa nắm bắt, xử lý kịp thời những tiêu cực, bức xúc phát sinh trong dư luận”, ông Phạm Thanh Cao nói.

Liên quan đến trường hợp đáng tiếc vừa xảy ra tại Phường Văn Miếu, TP Hà Nội, thời gian qua, Phó giám đốc Sở Tư pháp đã yêu cầu các cơ quan đơn vị quán triệt thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong phân công công tác, phân công đúng người, đúng việc; đặc biệt có thái độ ứng xử với người dân đúng mực.

Đối với những lĩnh vực nhạy cảm như cấp giấy khai tử, Phó giám đốc Sở yêu cầu cần tiến hành nhanh chóng, gọn nhẹ nhưng vẫn phải đảm bảo thận trọng vì thời gian qua cơ quan tư pháp đã phát hiện 2 trường hợp con đi khai tử bố trong khi bố vẫn sống.

Lý giải điều này, ông Phạm Thanh Cao cho biết, đây là trường hợp cá biệt, nghiện hút, xin tiền bố mẹ không được nên làm liều. Khi cán bộ tư pháp gọi đối tượng lên phường, họ nói rằng: “Vì ông bà ấy không cho tôi tiền nên tôi làm vậy”. Nếu cán bộ tư pháp không tỉnh táo, không điều tra cụ thể, không biết nhân thân và vẫn cứ thực hiện thì thật nguy hiểm.

Ông Cao nhấn mạnh: “2 trường hợp trên được phát hiện là do cán bộ tư pháp tỉnh táo và rất hiểu rõ về nhân thân của họ”./.