Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số, nền tảng truyền hình số quốc gia” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chiều 23/9, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang đánh giá cao sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng hạ tầng số phát thanh quốc gia do Đài tiếng nói Việt Nam chủ trì.
Theo Phó Tổng giám đốc Vũ Hải Quang, Đài Tiếng nói Việt Nam, xây dựng Nền tảng số quốc gia về phát thanh số hướng đến việc cung cấp đầy đủ các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
“Nền tảng phát thanh số Quốc gia giúp công chúng có thể nghe, nghe lại các kênh phát thanh tại Việt Nam mọi lúc, mọi nơi, kể cả đối với thính giả, kiều bào ở nước ngoài. Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng Đề án nền tảng số phát thanh quốc gia, dự kiến đầu quý 3 năm 2023 sẽ chính thức đưa vào hoạt động.
Để xây dựng hạ tầng số một cách hiệu quả và trong thời gian nhanh nhất, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đưa chương trình này vào trong quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để tập trung nguồn lực thực hiện” - ông Vũ Hải Quang nêu rõ.
“Các đài phát thanh truyền hình trong cả nước cũng đều đang thực hiện phân phối nội dung trên các ứng dụng của internet. Việc chuyển đổi số nếu làm được sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, thứ nhất là giảm được đầu tư dàn trải và manh mún. Thứ hai, khi tập trung về 1 mối sẽ thu hút lượng khán thính giả và công chúng rất lớn cho một app hoặc ứng dụng hạ tầng số.
Khi tập trung các chương trình phát thanh truyền hình của cả nước về một mối, chúng ta có thể sử dụng chung dữ liệu” - Phó Tổng Giám đốc VOV nêu rõ.
Cả nước hiện có 72 cơ quan hoạt động phát thanh truyền hình, các đài phát thanh truyền hình. Trong đó bao gồm 2 đài quốc gia là Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; 64 đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 5 đơn vị hoạt động truyền hình, các đài phát thanh truyền hình này đang thực hiện sản xuất 76 kênh phát thanh; 194 kênh truyền hình khác nhau.
Theo các đại biểu, phát thanh và truyền hình là điểm hội tụ kết hợp giữa nội dung và kỹ thuật. Trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số như hiện nay, sự phát triển đột phá về công nghệ ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí, phát thanh, truyền hình. Công nghệ số sẽ thay đổi các đài phát thanh, truyền hình, giúp các đài thực hiện “sứ mệnh” của mình tốt hơn nếu kịp thời chuyển biến mạnh mẽ và nắm bắt cơ hội.
Ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nêu ý kiến: “Các đài phát thanh và truyền hình bao gồm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam và đài địa phương cần hợp tác."
“Ở đây là hợp tác trong sản xuất nội dung, trong phân phối nội dung, trong sử dụng chung nền tảng, không chỉ là nền tảng phát thanh số hay truyền hình số mà còn những nền tảng khác như: quản trị, quản lý, điều hành. Trong công cuộc chuyển đổi số, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông cần định hướng phát triển các nền tảng quốc gia để nền tảng ứng dụng đồng nhất lãnh thổ Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư” - ông Vĩnh cho hay.
Khẳng định tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, đối với các cơ quan báo chí phát thanh, truyền hình nói chung, đặc biệt là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, sứ mệnh của các đơn vị không chỉ là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách làm, thay đổi mô hình kinh doanh, phân phối sản phẩm của mình mà còn phải kết nối được và thúc đẩy toàn bộ mạng lưới các đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, thành phố và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình; cạnh tranh với những luồng thông tin không chính thống trên không gian mạng để những dòng tin xác thực của báo chí đổ vào không gian mạng tạo ra dòng chủ lưu trên không gian mạng.
“Việc triển khai 2 nền tảng số quốc gia là nền tảng số phát thanh và nền tảng số truyền hình đóng vai trò rất quan trọng có yếu tố then chốt không chỉ là trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng mà còn giúp tối đa hóa các lợi ích do công nghệ mang lại, ngăn chặn, giảm thiểu các rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho toàn xã hội.
Đây là 2 nền tảng hiện đại, đa phương tiện hoạt động thông suốt liên tục và đảm bảo an toàn. Nội dung của các đài truyền hình, các đài phát thanh được cung cấp trên 2 nền tảng số quốc gia theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động một cách chủ động kịp thời đáp ứng nhu cầu của xã hội” - ông Dũng nói./.