Hôm nay (12/11), Trung tâm Kỹ thuật phát thanh phối hợp cùng Tổng Công ty EMICO và Ban Hợp tác quốc tế của Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo về “Phát thanh số mặt đất”.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; đại diện Cục Phát thanh truyền hình, Cục Tần số, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông); Vụ Khoa học - Giáo dục (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); nhiều chuyên gia đến từ hãng sản xuất máy phát sóng phát phát thanh, phát hình lớn nhất trên thế giới của Mỹ; cùng các nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật của Đài TNVN và Đài THVN...

anhptgd_uwfw.jpgÔng Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại Hội thảo

Mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh của Đài TNVN nói riêng và cả nước nói chung đã, đang hoạt động khá ổn định và phát huy những hiệu quả vô cùng to lớn với cả ba phương thức phủ sóng: Sóng ngắn, sóng trung và FM. Tiếp theo thời kỳ hoàng kim của phát thanh truyền thống (phát thanh analog), đến nay nhân loại đã có những bước tiến khá xa trên con đường số hóa, trong đó có phát thanh số với những ưu thế vượt trội so với phát thanh truyền thống.

Việc lựa chọn công nghệ mới cho phát thanh số mặt đất, theo ông Trần Minh Hùng, là một việc làm không dễ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Thứ nhất,khi chuyển đổi công nghệ, điều đầu tiên phải quan tâm chính là thính giả, những lợi ích, nguyện vọng và khả năng đầu tư cho máy thu của họ; Thứ hai,  khả năng tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. 

Các đại biểu dự Hội thảo được tổ chức tại Đài TNVN

Thứ ba,chúng ta đang trong thời kỳ hội tụ giữa Công nghệ thông tin - Điện tử - Viễn thông ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nên việc lựa chọn công nghệ phải phù hợp với xu hướng phát triển chung và phải tính đến sự phụ thuộc lẫn nhau giữa phát thanh, truyền hình, viễn thông với một số ngành khác (như giao thông trên bộ, giao thông thủy...chẳng hạn). Mặt khác, phát thanh truyền hình là một lĩnh vực thông tin quảng bá, không chỉ phục vụ trong một quốc gia mà còn là cầu nối giữa các quốc gia với nhau. Do vậy, không thể thiết lập một mạng phát thanh nằm ngoài xu thế phát triển chung của thế giới.

Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ mới ở Việt Nam hiện nay (trong đó có phát thanh, truyền hình ) chủ yếu thông qua việc nhập khẩu thiết bị về khai thác và sử dụng mà chưa có sự sáng tạo công nghệ, chưa có khả năng phát triển một công nghệ của thế giới thành một công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị xã hội của riêng mình như Hàn Quốc, Nhật bản…. Do đó, việc thiết lập một mạng phát thanh còn phải phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và năng lực công nghệ của từng Quốc gia.

Còn ông Vũ Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh (Đài TNVN), nhấn mạnh: “Phát thanh số sẽ là một xu thế tất yếu trong tất cả các khâu từ sản xuất chương trình, đến truyền dẫn phát sóng và thiết bị đầu cuối”.

Ông Vũ Hải Quang: Phát thanh số sẽ là một xu thế tất yếu

Bởi theo ông Quang, ngày 16/2/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 22/2009/QĐ-TTg phê duyệt qui hoạch Truyền dẫn phát sóng Phát thanh Truyền hình  đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, công nghệ số được áp dụng rộng rãi trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh. Hiện tại, công nghệ phát thanh số đã và đang phát triển đa dạng nhằm mục đích nâng cao chất lượng âm thanh, tiết kiệm tài nguyên tần số, tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành và mang đến cho người nghe nhiều tiện ích hơn hẳn so với phát thanh truyền thống (phát thanh analog).

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Quang, đến nay phát thanh số mặt đất vẫn đang gặp phải những rào cản rất lớn: thứ nhất, do giá thành máy thu, thứ hai, thế giới vẫn chưa có mô hình cụ thể nào cho phát thanh số mặt đất.

Hội thảo đã trao đổi nhiều thông tin liên quan đến phát thanh số mặt đất, trong đó đặc biệt là về chuẩn phát thanh số HD Radio, chuẩn phát thanh số DRM+ và chuẩn DAB+.

Nói về chuẩn phát thanh số HD Radio, ông Alex (hãng Gates-Air, của Mỹ) cho biết: Công nghệ phát thanh số với chuẩn HD Radio có ưu điểm là cho chất lượng âm thanh tốt hơn AM và FM. Nó cũng cung cấp thêm nhiều cơ hội hơn cho hoạt động dịch vụ phát thanh nhờ khả năng định vị đối tượng tiếp nhận tốt hơn, có khả năng bán dữ liệu thông qua dịch vụ dữ liệu phát thanh... Đồng thời, các đài phát thanh sẽ có nhiều cơ hội phát triển thị trường của mình nhờ có thể cung cấp nhiều kênh chương trình hơn trong khi không cần mở rộng băng tần.

Khi chuyển đổi từ phát thanh truyền thống sang phát thanh số, chuẩn HD Radio cũng thuận lợi và không ảnh hưởng đến các đài phát thanh khác.

Còn ông Jen Stockman (hãng Gates-Air), cho biết chuẩn phát thanh số DRM+ và chuẩn DAB+ cũng có nhiều ưu điểm nổi bật. Trong đó, DRM+ là tiêu chuẩn mở, không phải trả phí bản quyền cho cả thiết bị phát và thu sóng. DRM có vùng phủ sóng rộng, có thể tới tầm khu vực.

Ông Jen Stockman giới thiệu về chuẩn phát thanh DRM+ và chuẩn DAB+

Đặc biệt, ông Jen Stockman lưu ý, dù phát sóng cho khu vực thành thị hay nông thôn, để chọn đúng chuẩn phát sóng, việc quan trọng là cần nghiên cứu, cân nhắc trên cơ sở số lượng các kênh chương trình phát cho từng khu vực khác nhau để có thể đạt hiệu quả cao nhất.

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá: Phát thanh số, đặc biệt là phát thanh số mặt đất vẫn đang tồn tại rất nhiều chuẩn khác nhau, mỗi nước lại đang lựa chọn và đi theo một hướng riêng của mình. Do vậy, việc lựa chọn công nghệ mới cho phát thanh số mặt đất là một việc làm không dễ và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Để lựa chọn một chuẩn phát thanh số mặt đất không đơn thuần chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà đây là bài toán kết hợp giữa kỹ thuật với kinh tế, chính trị và xã hội - Một công việc vô cùng quan trọng mang tầm Quốc gia./.