Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm soát công tác sử dụng giấy nhận diện phương tiện hoạt động trên "luồng xanh".
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong thời gian qua, Tổng cục Đường bộ đã có nhiều văn bản gửi UBND, Sở GTVT các tỉnh, thành phố hướng dẫn về việc cấp giấy (thẻ) nhận diện phương tiện có mã QR Code (giấy nhận diện) hoạt động trên "luồng xanh" để tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện vận tải hàng hóa, công nhân, chuyên gia lưu thông qua các địa phương đang áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTG.
“Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều thông tin về việc sử dụng giấy nhận diện không đúng đối tượng, mục đích, đi sai tuyến đường đăng ký,” bà Hiền nhìn nhận.
Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị vận tải đã được cấp giấy nhận diện lưu giấy đề nghị, các tài liệu liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, phiếu xét nghiệm của lái xe để phục vụ công tác hậu kiểm.
Sở GTVT các địa phương chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông triển khai hậu kiểm đối với các đơn vị có phương tiện được cấp giấy nhận diện (trong đó lưu ý tập trung đối với các đơn vị có phương tiện kinh doanh vận tải gắn thiết bị giám sát hành trình).
Sở GTVT tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương để có ý kiến với lực lượng Cảnh sát giao thông và các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh của lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đối với xe đã được cấp giấy nhận diện.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phân luồng từ xa giúp phương tiện qua Hà Nội đi đúng lộ trình, không vào chốt kiểm dịch của Hà Nội, tránh ách tắc.
Cụ thể, xe từ Ninh Bình đi đến Lạng Sơn và ngược lại theo tuyến:
Ninh Bình-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình-Quốc lộ 38-Quốc lộ 39-Quốc lộ 5-cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn-Quốc lộ 1-Lạng Sơn.
Ninh Bình-cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình-Quốc lộ 38-Quốc lộ 39-Quốc lộ 5- Quốc lộ 37-Quốc lộ 18-cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn-Quốc lộ 1- Lạng Sơn
Đối với xe từ Hòa Bình đi về Hà Nam, Ninh Bình, các tỉnh phía Nam và ngược lại đi theo các tuyến đường:
Ngã ba Xuân Mai (Hà Nội)-quốc lộ 21-đường Hồ Chí Minh (Hòa Bình)-Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Quảng Nam-Kon Tum-Gia Lai-Đăk Lăk-Đăk Nông-Bình Phước.
Hòa Bình-Quốc lộ 6-Đường Hồ Chí Minh-Quốc lộ 21-Quốc lộ 1- Hà Nam.
Hòa Bình-Quốc lộ 6-Đường Hồ Chí Minh-Quốc lộ 12B-Quốc lộ 1-Ninh Bình.
Hòa Bình-Quốc lộ 6-Đường Hồ Chí Minh-Quốc lộ 9-Quốc lộ 1-các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Xe từ Hòa Bình đi đến các tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái và ngược lại đi theo đường:
Hòa Bình-Quốc lộ 6-Quốc lộ 21-Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh)-Quốc lộ 2- Vĩnh Phúc; Hòa Bình-Quốc lộ 6-Quốc lộ 21-Quốc lộ 32-Yên Bái.
Xe đi từ Hòa Bình đi Thái Nguyên, Bắc Ninh và ngược lại theo tuyến:
Hòa Bình-Quốc lộ 6-Quốc lộ 21-Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh)-Quốc lộ 2-Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài-Bắc Ninh-Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên.
Hòa Bình-Quốc lộ 6-Quốc lộ 21-Quốc lộ 2C (cầu Vĩnh Thịnh)-Quốc lộ 2- Quốc lộ 18 đoạn Nội Bài-Bắc Ninh-Bắc Ninh./.