Sau khi đi chợ về, chị Huỳnh Thị Thư (ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12) bày rau, củ, thịt, cá ra các thau, rổ. Các túi ni lông đựng đồ, chị Thư chọn ra cái nào sạch thì giữ lại, cái nào dơ thì cho vào một túi cùng với gốc rau, đầu cá và bỏ túi rác vào thùng đựng rác ngoài sân. Chị Thư cho biết, có nghe hàng xóm nói về quy định phân loại rác tại nguồn nhưng chưa thấy tổ trưởng, chính quyền phổ biến. Do đó, chị Thư vẫn đựng rác thải như thói quen lâu nay.
Nhiều xe thu gom rác ở TP HCM chưa đủ tiêu chuẩn. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Oanh (ở khu phố 12, phường 13, quận Tân Bình) cho biết, gia đình ông và các hộ dân xung quanh rất hưởng ứng việc phải phân loại rác tại nguồn. Hàng ngày, ông dùng 2 thùng rác cùng túi màu khác nhau và hướng dẫn mọi người trong gia đình cách phân loại rác vô cơ và hữu cơ.
Tuy bước đầu còn bỡ ngỡ nhưng dần dần cả nhà ông và người dân cũng thích ứng với thói quen tốt này. Nhưng, ông Oanh cũng cho biết hiện nay tại các hộ chung cư đều không có thùng phân loại rác, mọi người đều phải bỏ vào một đường ống gom rác. Do đó, các túi rác từ tầng cao trượt xuống sẽ rách, bục vỡ.
Như vậy, việc các gia đình có phân loại rác thải cũng trở nên phí công, tốn sức. Hơn nữa, theo Quyết định 44/2018 của UBND TPHCM về việc thu gom rác theo ngày chẵn - lẻ đang khiến người dân cảm thấy rất khó khăn trong việc đảm bảo môi trường, đặc biệt là việc lưu lại rác thực phẩm trong nhà 2 ngày làm bốc mùi hôi thối, ô nhiễm.
Ông Nguyễn Hồng Oanh băn khoăn: “Theo qui định 1 tháng thì có 2 ngày để bỏ rác công nghiệp vào đó và theo ngày giờ thì sẽ có xe đến chở đi nhưng mà có những tháng xe không có tới và xe chở những thứ đó đi cũng chưa được thường xuyên. Cho nên khi rác khi đã để vào đấy rồi mà không được chở đi thì trở thành một đống rác lớn, rồi bà con phải tự thuê xe bên ngoài trở đi nên gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Hồng Oanh và hầm chứa rác tại chung cư K300, quận Tân Bình gặp nhiều khó khăn khi thực hiện phân loại rác tại nguồn |
Còn đối với bà Nguyễn Thị Nhuận, một người thu gom rác dân lập tại quận 12, hiện nay gia đình bà cũng như nhiều người thu gom rác tại địa phương chưa được phổ biến về việc phải phân loại rác cũng như được tập huấn về cách phân loại tại nguồn. Vì thế, 2 vợ chồng bà vẫn dùng một chiếc xe và thu gom rác có từ chục năm qua.
Theo bà Nhuận thì hiện nay việc trang bị và phân loại thùng thu gom, xe vận chuyển theo từng nhóm rác thải không chỉ gây khó khăn về kinh phí mà còn khó khăn trong việc tìm điểm tập kết thùng và xe rác: “Nghe phường đã tuyên truyền phân loại rác đây, nhưng bà con đâu có làm. Toàn là cứ bỏ vô một bịch. Sợ nhất là những mảnh chai, mình đi thu tiền cũng đã dặn bà con mảnh chai là để ra ngoài. Nhiều khi làm mà dẫm chân lên thì cũng rất sợ, nhưng dặn không ai chịu làm. Rất khó khăn cho người đi thu gom rác”.
Quyết định 44/2018 về phân loại rác tại nguồn, việc phân loại, thu gom rác nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, sau gần nửa năm thực hiện, nhiều quận, huyện cho rằng ngoài gặp khó trong việc thay đổi ý thức của người dân thì khâu thu gom rác đang là mấu chốt của vấn đề.
Hiện nay, lực lượng thu gom rác dân lập chưa chuyên nghiệp đã góp phần kéo giảm hiệu quả của chương trình. Từ đó, các địa phương đang đề xuất thành phố cần nhanh chóng chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các công ty, hợp tác xã hoặc liên minh hợp tác xã, phải có tổ chức rõ ràng, hoạt động có quy chế, có chế tài, người lao động có hợp đồng, thu nhập ổn định, được trang bị bảo hộ lao động, có chế độ chính sách về bảo hiểm…
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND Quận 12 cho biết: “Việc gia nhập các Hợp tác xã, các doanh nghiệp đang là vấn đề mấu chốt muốn rác ở địa phương được sạch hơn, được tốt hơn và đảm bảo giờ giấc thu gom rác chuyên nghiệp hơn. Quận 12 khuyến khích xã hội hóa việc này, đồng thời tính đến dịch vụ thu gom rác. Đơn vị nào cung cấp dịch vụ tốt, thực hiện tốt thì đơn vị đó sẽ được triển khai thu gom rác”.
Tại TP HCM có đến 60%, thậm chí có những địa bàn đến 80% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom bởi lực lượng thu gom rác dân lập. Do vậy, để có được đủ xe thu gom rác có phân loại có khi người thu gom phải tự bỏ tiền ra đầu tư. Quy định lịch thu gom rác theo Quyết định 44 có thể xem là đã phần nào tháo gỡ khó khăn này.
Tuy nhiên, ngay cả với vai trò mới của lực lượng thu gom rác, việc thực thi cũng không dễ dàng. Mỗi ngày, TP HCM có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp do chưa thực hiện tốt việc phân loại. Thành phố đang phấn đấu tỷ lệ này đến năm 2020 sẽ là 50%, năm 2050 còn 20%. Tuy nhiên, để làm được điều này thì vấn đề tiên quyết vẫn là phải đưa việc phân loại rác sinh hoạt tại gia đình trở thành chuyện bắt buộc phải thực hiện./.TPHCM: Phân loại rác thải tại nguồn - khó vì sao?