Chắc hẳn, những câu hỏi này đã từng xuất hiện trong tâm trí mỗi người dân thành phố Hà Nội, đặc biệt, sau những sự cố gián đoạn cấp nước nghiêm trọng những năm gần đây. Nhằm vén bức màn mù mịt về thông tin ấy, mời các bạn đón đọc loạt phóng sự “Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch” của VOV Giao thông.
Định kỳ vài tháng, anh Hoàng Công Hoan, sinh sống trên phố Định Công Hạ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại lọ mọ lấy dụng cụ điện phân ra để… thử nước gia đình mình và bà con trong xóm. Mặc dù phương pháp này không phải cứ liệu khoa học xác tín để chỉ rõ thành phần trong nước có kim loại nặng hay không, nhưng nó cho thấy một trạng thái tâm lý đề phòng về chất lượng nước sạch mà anh Hoan đang mua từ công ty cổ phần Viwaco.
"Chất lượng nước ở nhà máy khác, cuối nguồn khác. Bởi vì đường ống lớn của nhà máy chỉ đến trạm bơm nước rồi mới đi tiếp. Hệ thống đường ống bao năm, lâu ngày không sục, vệ sinh... thì sao tránh khỏi đóng rêu, cặn kim loại, đặc biệt như Asen, chì.
Ở cuối nguồn, tôi chưa bao giờ thấy người ta đi lấy mẫu, test thử chất lượng nước cuối nguồn khu dân cư. Đó là điều rất bức xúc", ông Hoan nói.
Nhớ về sự cố môi trường tại nhà máy nước sông Đà hôm 21/9/2022, ông Lê Đình Lễ, Tổ trưởng dân phố số 6, phường Định Công, Hà Nội, vẫn chưa thôi ám ảnh. Đó là những ngày bà con bị mất nước tới 5 ngày, chạy đôn chạy đáo xin, mua nước về dùng, bất chấp thông báo của đơn vị cấp nước rằng “chỉ cắt nước 1 ngày”:
"Ảnh hưởng là thời gian khắc phục có thể phát sinh, kéo dài thêm, nhưng không có động tác thông báo bổ sung. Nên người dân mới thắc mắc, có ý kiến.
Nguyện vọng chính đáng của nhân dân là trước tiên phải minh bạch. Minh bạch về thông tin đã! Trong đó có chất lượng nước sử dụng và trách nhiệm của nơi cung cấp, đảm bảo lòng tin cho người sử dụng".
Nhằm tìm hiểu những thắc mắc chính đáng của người dân, phóng viên đã liên hệ, gửi nội dung làm việc đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhà máy nước. Tuy nhiên, việc đề nghị cung cấp thông tin về quy trình sản xuất, cấp nước, xử lý sự cố và quy trình quản lý, công bố chất lượng nước sạch gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm tìm hiểu những thắc mắc chính đáng của người dân, phóng viên đã liên hệ, gửi nội dung làm việc đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhà máy nước. Tuy nhiên, việc đề nghị cung cấp thông tin về quy trình sản xuất, cấp nước, xử lý sự cố và quy trình quản lý, công bố chất lượng nước sạch gặp rất nhiều khó khăn.
Có nơi khất hẹn nhiều lần, sau đó gọi điện hay nhắn tin lại thì “mất hút”, như đại diện công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông: "Anh có thể đợi được sang đầu tuần tới không, vì đợt này công ty đang thiếu nước, các lãnh đạo đang họp hành suốt ngày".
Có nơi chỉ gửi câu trả lời bằng văn bản, còn trao đổi trực tiếp thì hẹn tới tận… sang năm như đại diện Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà.
Cũng có nơi “biệt tăm”, không hồi đáp như đại diện công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội. Hiếm nơi nhận lời phỏng vấn như Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Hoàng Mai, một đơn vị thành viên của Công ty nước sạch Hà Nội.
Ông Trần Chiến Thắng, Phó giám đốc xí nghiệp chia sẻ: "Hiện nay, Công ty nước sạch Hà Nội thực hiện các quy trình, tần suất quan trắc chất lượng nước theo Thông tư 26 năm 2021 của Bộ Y tế về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sử dụng mục đích sinh hoạt. Công ty nước sạch Hà Nội kiểm soát chặt chẽ online chất lượng nước, kết hợp kiểm soát đầu ra của các nhà máy nước. Công ty và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố lấy mẫu phân tích định lượng hàng tháng tại phòng Lab.
Trong trường hợp có bất thường về chất lượng nước. Công ty có ngay phương án và biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Chất lượng nước được công khai cập nhật định kỳ trên website của công ty và thông báo tới các khách hàng tập trung".
Khảo sát của phóng viên cho thấy, hầu hết các đơn vị cấp nước lớn tại Hà Nội đều công bố kết quả kiểm tra nội bộ (nội kiểm) hàng tháng trên website. Tuy nhiên, việc công bố kết quả kiểm tra từ ngành y tế thành phố (ngoại kiểm) đang tạm thời gián đoạn.
Theo ông Vũ Kim Chung, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường - y tế trường học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, website của đơn vị này đang gặp sự cố: "Việc công bố kết quả ngoại kiểm, chúng tôi đã công bố từ khá lâu rồi. Quy định là phải công bố trên trang web của đơn vị, nên không đăng tải được trên trang web khác. Trước khi trang web của CDC Hà Nội gặp sự cố thì các kết quả này đều được đăng trên đó. Thời điểm này, nếu xem kết quả năm 2021 thì tìm trên Google chỉ ra được kết quả cũ còn lưu trên Google thôi".
Phóng viên đã đề nghị lãnh đạo CDC Hà Nội cung cấp bảng kết quả ngoại kiểm đầy đủ về chất lượng nước sạch tại các đơn vị cấp nước có công suất trên 1000m3/ngày đêm, tuy nhiên, vẫn chưa được hồi đáp. Một vị cán bộ chuyên môn của CDC Hà Nội cho biết, thông tin này cũng được gửi sang Sở Xây dựng.
Tiếp tục liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội với lời đề nghị tương tự, phóng viên nhận được câu trả lời từ ông Lê Văn Du – Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật: "Hiện nay, nếu về nội dung đó thì bên Sở Y tế, cơ quan chuyên môn kiểm soát về chất lượng. Còn các thông số thông thường, hiện, theo báo cáo Sở Y tế gửi sang Sở Xây dựng thì về cơ bản đều đạt. Tỉ lệ không đạt chủ yếu tập trung ở các công trình quy mô nhỏ ở nông thôn".
Theo nguồn tin của VOV Giao thông, từ năm 2020 đến nay, có một số sự cố xảy ra tại các trạm cấp nước nội đô Hà Nội nhưng không được công bố. Cùng với đó, hành trình khó khăn tìm kiếm bảng kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch chính thức trên địa bàn Thủ đô không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về mức độ minh bạch của ngành nước.
Vậy nước sạch đang được sản xuất như thế nào? Nguồn nước mặt và nước ngầm khác nhau ra sao? Chất lượng nước sạch từ nhà máy đến các hộ dân, những yếu tố nào có thể tác động?
Vì sao nước sạch vẫn… chưa sạch? Câu trả lời sẽ có trong kỳ 2: “Chất lượng nước sạch chỉ… ‘cơ bản’ đạt”./.