Chưa năm nào nước mặn xâm nhập mặn sớm và lấn sâu đất liền gay gắt như năm nay. Hiện tượng bất thường này làm ngành chức năng và nông dân tỉnh Bến Tre dù đã chủ động ứng phó từ đầu nhưng vẫn không trở tay kịp.

Vừa nhìn vào đám lúa hơn 60 ngày tuổi đang cháy lá, chết dần, ông Nguyễn Văn Xem, ở xã Vĩnh An, huyện Ba Tri vừa cho biết, sau hơn 2 tuần tìm mọi biện pháp để cứu lúa, như tăng cường bón lân hạ phèn, tận dụng nước ngọt còn lại trong ao bơm vào để giảm độ mặn… nhưng cuối cùng đành bất lực, vì độ mặn ngày một gay gắt. Không chỉ lúa mà hơn công ớt mới thu hoạch được 2 lần cũng cùng chung số phận.

dbscl_1_sfwc.jpg
Hết khả năng cứu chữa, nông dân Bến Tre cắt lúa cho bò ăn

Mặc dù được dự báo trước là năm nay hạn, mặn sẽ diễn biến phức tạp và từ ngay cuối năm 2015, tỉnh Bến Tre đã triển khai nạo vét hàng loạt kênh mương nội đồng, đắp đập cục bộ ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ sản xuất; cung cấp dụng cụ chứa nước giúp hộ nghèo trữ nước ngọt, phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, do nước mặn lên sớm gần hai tháng và vào sâu trong đất liền nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Hiện nước mặn 1 phần ngàn đã bao trùm 155/164 xã, phường trong tỉnh; nước có độ mặn 4 phần ngàn đã vào sâu cách các cửa sông lớn từ 45 – 65km. Đặc biệt trong nội đồng của 3 huyện trọng điểm lúa là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú độ mặn từ 2,4 đến 7 phần ngàn đã làm cho  10.000ha lúa bị thiệt hại, trong khi hoa màu của 3 huyện này đều thất thu hoặc mất trắng.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: “Ngay từ vụ thu đông chuẩn bị kết thúc, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, những vùng có khả năng bị mặn sớm và chỉ cho xuống giống vụ đông xuân tại các vùng có khả năng giữ được ngọt được phép sản xuất. Nhưng năm nay mặn sớm hơn, khốc liệt hơn. Một số cánh đồng chúng tôi cho sản xuất vẫn bị mặn xâm nhập và đến giờ khoảng 10.000ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng rất lớn; 8.000ha còn lại chắc chắn chất lượng lúa sẽ không tốt, nên vừa rồi tỉnh có đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hỗ trợ đến việc tác động này”.

Ớt đang sai trái cũng đành bỏ cho chết héo

Trước những diễn biến bất thường và thiệt hại nghiêm trọng bởi xâm nhập mặn, mới đây, UBND tỉnh Bến Tre đã ban bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và huy động mọi nguồn lực để phòng chống nhằm hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi trên địa bàn hiện chưa được khép kín nên không chỉ có lúa mà hàng chục ngàn ha cây ăn trái của tỉnh này cũng đang có nguy cơ bị thiệt hại rất cao khi bước vào cao điểm mùa khô tháng 3, tháng 4 tới./.