Khác với Đại lễ Vesak năm 2008 do Chính phủ đăng cai tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Vesak năm nay do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì tại một địa điểm cách xa Hà Nội hơn 100km. Đó là khu chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Để chuẩn bị cho sự kiện lớn với hàng ngàn đại biểu và hàng vạn phật tử gần xa, tỉnh Ninh Bình đã và đang nỗ lực cao nhất cho ngày khai mạc Đại lễ, ngày 8/5.
Cho đến chiều 6/5, rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đã có mặt tại chùa Bái Đính. Đây là nơi diễn ra các hoạt động chính của Đại lễ Vesak. Không chỉ rực rỡ sắc cờ và hoa mà hầu hết các hạng mục công trình đều được tôn tạo, sửa chữa như: hệ thống đường đi dành cho ô tô, cho người đi bộ, sân, vườn cảnh quan khu vực chùa; khuôn viên...
Hội trường chính với sức chứa 3500 người |
Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước, bảng hướng dẫn cũng được cải tạo và bổ sung. Đặc biệt, hội trường trung tâm diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Đại lễ với sức chứa 3.500 chỗ đã hoàn tất những phần việc cuối cùng, đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người chỉ đạo trực tiếp công việc chuẩn bị tại chùa Bái Đính cho biết: “Tất cả các khâu chuẩn bị đã hoàn thiện để đón khách trong nước và quốc tế đến với lễ hội Phật giáo lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Đối với tỉnh Ninh Bình, trong chiều 6/5, Bí thư Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng với các sở ban ngành đều đã có mặt để đảm bảo cho lễ hội diễn ra an toàn, thành công”.
Tại khu vực cổng chính, khu Tam thế và khu vực diễn ra các hoạt động ngoài trời được trang hoàng rực rỡ để tổ chức các hoạt động như: Hội chợ văn hóa Phật giáo; Triển lãm văn hóa Phật giáo; chương trình nghệ thuật giao lưu quốc tế chào mừng Đại lễ… Cùng với việc sửa chữa, cải tạo các công trình cảnh quan, Ban quản lý chùa Bái Đính cũng sắp xếp lại các hoạt động dịch vụ, đưa thêm gần 300 xe điện vào hoạt động phục vụ trong dịp đại lễ Vesak.
Điện Tam Thế Phật |
Ông Đinh Văn Hiên - Đội trưởng đội xe điện Chùa Bái Đính cho biết: “Chúng tôi đã quán triệt anh em lái xe nhiệt tình, chu đáo, ứng xử lịch sự, mong sao để Đại lễ diễn ra suôn sẻ và thành công mỹ mãn”.
Cùng với sự hỗ trợ của trung ương, các ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình cũng đã vào cuộc như công an, giao thông, y tế, văn hóa- thể thao và du lịch… Riêng ngành y tế đã thành lập các đội chống dịch, các tổ giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ cấp cứu lưu động, chỉ đạo các bệnh viện chuẩn bị thuốc chữa bệnh, trang thiết bị cấp cứu, số giường bệnh sẵn sàng phục vụ, chăm sóc cho các đại biểu.
Đặc biệt, đây là một vinh dự lớn đối với những người dân địa phương - nơi có chùa Bái Đính, vì lần đầu tiên họ được đón rất nhiều khách trong nước và quốc tế. Ông Phạm Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cho biết: “Địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp với các ban ngành của tỉnh, của huyện để đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã triển khai sâu rộng đến các ban ngành trong xã, đến từng thôn, xóm, tổ chức cho nhân dân dọn vệ sinh môi trường khu vực chùa, bến xe, chấn chỉnh hoạt động dịch vụ tại khu vực chùa Bái Đính”.
Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn cho các đại biểu và hoạt động tình nguyện đối với các sự kiện diễn ra tại Đại lễ Vesak cũng được Ninh Bình hết sức quan tâm. Khoảng 1.500 sinh viên trường Đại học Hoa Lư đã được huy động để phục vụ cho lễ thắp nến cầu nguyện vì hòa bình thịnh vượng, diễn ra vào đêm bế mạc đại lễ.
Với sự chủ động, tích cực và chuẩn bị chu đáo của tỉnh Ninh Bình, Đại lễ Vesak 2014 được hy vọng sẽ thành công, tạo dấu ấn tốt đẹp về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quảng bá để thế giới và UNESCO công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Thiên nhiên Thế giới./.