Thành phố biển Đà Nẵng quen chống chịu với gió bão nhưng từ người dân đến chính quyền còn thiếu kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ đặc biệt lớn. Sau trận lũ lịch sử này, những điểm yếu nào cần khắc phục phải được đánh giá, phân tích và xây dựng kịch bản chi tiết hơn. Điều dễ nhận thấy qua đợt ngập này là vẫn còn tình trạng chủ quan, công tác dự báo còn bất cập, chưa lường hết những diễn biến bất thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

Lượng mưa tại thành phố Đà Nẵng trong ngày và đêm 14/10 đặc biệt lớn, tập trung trong thời gian ngắn nên mọi người không kịp trở tay. Có những nơi tại huyện Hòa Vang, cứ một giờ đồng hồ nước dâng lên nửa mét, nhiều nơi ngập sâu đến 2,5 mét. Mưa cấp tập trong thời gian ngắn làm nhiều con đường trở thành dòng sông chảy xiết.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân Trinh ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Chính quyền có thông báo nhưng hơi chậm, có người đọc được và có người không đọc được, có nhiều người kêu cứu ghê lắm. Không nghe tổ dân phố báo gì hết, đợt này phản ứng tương đối chậm, đợt trước bão Noru là nhanh, báo trước 2 đến 3 ngày nhà cửa chằng chống, thiệt hại không đáng kể”.

Có ý kiến cho rằng, việc thông tin, dự báo còn nhiều bất cập. Chiều 14/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5, mọi phương án đối phó với áp thấp thay đổi hoàn toàn. Với mức gió như dự báo thì tàu bè vẫn có thể neo tạm dọc các bãi ngang thuộc quận Sơn Trà sẽ không ảnh hưởng gì. Trong khi đó, thực tế mưa với lượng mưa đặc biệt lớn như ngày hôm qua thì dễ gây đứt neo, chìm tàu. Ông Trần Thắng Lợi, Bí thư Quận ủy Sơn Trà cho biết, công tác dự báo chưa chính xác, thông tin liên lạc viễn thông bị đứt quãng gây nhiều trở ngại trong công tác ứng phó. 

“Ngày hôm qua đến giờ hệ thống thông tin liên lạc rất khó, gọi liên tục nhưng không được. Gọi được thì đầu kia không nghe, hoặc gọi lại thì chỉ được 2-4 giây là tắt nên hệ thống thông tin liên lạc của chúng ta cần được tăng cường. Đặc biệt là trong phòng chống thiên tai, cứu nạn rất là khó khăn”- ông Trần Thắng Lợi cho biết.               

Do công tác dự báo không sát với thực tế cùng với sự chủ quan nên nhiều người không kịp trở tay khi nước dâng cao, ngập sâu. Chiều 14/10, các trường học vẫn cho học sinh học đến cuối giờ. Trời mưa, nhiều người dùng ô tô đưa đón con đúng vào giờ tan tầm, mưa cực lớn dẫn đến giao thông rối loạn, chia cắt nhiều nơi. Nhiều gia đình đi đón con trở về đến nhà đã hơn 21h đêm. Người dân ở những vùng thấp trũng trong các khu dân cư nội đô cũng không ai sơ tán nên khi nước ngập lên quá nhanh, nhiều người kêu cứu, hoảng loạn trong đêm. Trong khi đó, các nhà máy, xí nghiệp vẫn cho công nhân đi làm đêm nên chính quyền phải điều động phương tiện, huy động lực lượng đi cứu công nhân. 

“Đến giờ tan tầm, toàn bộ công nhân đổ ra là không đi được nữa. Quận phải bố trí người cảnh giới. Ban Quản lý khu công nghiệp lưu ý  các doanh nghiệp trong trường hợp mưa bão cần giữ công nhân ở tại chỗ, không để ra đường rất nguy hiểm”- ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết. 

Trong đợt ngập lịch sử này, thông tin cứu nạn, cứu hộ chủ yếu thông qua mạng xã hội, các nhóm zalo. Các lực lượng cứu nạn của quận Liên Chiểu ứng cứu được 100 người qua tin nhắn, điện thoại, nhưng việc kết nối thông tin liên lạc không được thông suốt. Khó khăn hiện nay ở các địa phương là khi người dân kêu cứu nhưng địa phương không có phương tiện cứu nạn phù hợp. Lực lượng đi cứu dân chỉ có phao cá nhân, dây thừng chứ chưa có phương tiện nào phù hợp dẫn đến việc tiếp cận các khu vực dân cư trong kiệt hẻm rất khó khăn.

Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu đề nghị: “Chúng tôi nhận được nhiều lời cầu cứu, kêu cứu của người dân, lực lượng xuống tiếp cận nhưng đường nhỏ nên rất khó. Vì vậy, đề nghị thành phố có cơ chế mua sắm phương tiện loại nhỏ để lực lượng dân quân, công an xuống đẩy người ra chứ nếu không thì ảnh hưởng tính mạng của người đi cứu nạn nữa. Việc này rất là cần thiết”. 

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng thì các địa phương đều xây dựng phương án ứng phó “4 tại chỗ” nhưng rất bị động. Khi người dân kêu cứu, từ cán bộ tổ dân phố đến xã, phường đều lúng túng. Phương tiện xe thiết giáp đặc chủng là xe chiến đấu chỉ chạy trong bão hoặc mực nước chảy bình thường chứ không thể chạy trong điều kiện nước chảy xiết, ngập sâu. Ông Nguyễn Văn Hòa đề nghị mỗi xã phường ở thành phố Đà Nẵng phải được trang bị 1-2 ghe nhôm công suất nhỏ để cơ động cứu dân trong lũ. 

“Công tác ứng phó theo tinh thần “4 tại chỗ” phường xã trong tình huống khẩn cấp thì có thể nói tổ đội ứng cứu “4 tại chỗ” đã thành lập tuy nhiên chúng ta rất bị động và lúng túng. Hiện nay, bà con kêu cứu thì lực lượng của quận và thành phố xuống cứu chứ xã, phường thì tê liệt mất rồi. Cũng vì thiếu chủ động nên không trở tay kịp. Vì vậy chúng ta cần nghiên cứu phương tiện cứu hộ trong địa bàn thành phố"- ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Trong đợt mưa lớn gây ngập lịch sử lần này, trạm bơm Thuận Phước có 4 máy bơm nhưng chỉ có 2 máy bơm hoạt động, lại không có máy nổ dự phòng. Đây cũng là nguyên nhân khiến khu vực trung tâm quận Hải Châu ngập nặng.

Người dân thành phố Đà Nẵng từng có nhiều kinh nghiệm chống bão nhưng lại thiếu kỹ năng chống lũ, nhất là những trận mưa lũ lớn, dồn dập như vừa qua. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần nghiêm túc đánh giá những bài học kinh nghiệm để công tác ứng phó với mưa lũ được tổ chức tốt hơn. 

“Tôi đề nghị có phân tích đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm. Một là công tác dự báo đánh giá về các nguy cơ, cần phải rút kinh nghiệm về những vấn đề thuộc nguyên nhân chủ quan. Thứ hai là đánh giá về công tác lãnh đạo chỉ đạo. Các phương án phòng chống. Đặc biệt là công tác thông tin, tiếp nhận thông tin. Ở đây có 2 chiều là công tác thông tin và công tác tiếp nhận xử lý thông tin, trong đó có thông tin người dân  kêu cứu vào thời điểm nguy hiểm”- ông Nguyễn Văn Quảng cho biết./.

Ngay trong sáng 15/10, Thành uỷ Đà Nẵng ban hành Công văn “về khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 (SONCA), áp thấp nhiệt đới có mưa lớn gây ra” gửi các các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Theo đó, Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục chủ động trong công tác khắc phục thiệt hại bão số 5 với tinh thần khẩn trương, kịp thời, trực tiếp đến từng hộ dân, cơ sở kinh tế, xã hội trên địa bàn; làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp thiệt hại, gia đình bị thương vong trong thời gian sớm nhất./.