12h đêm, tại phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân (Hà Nội), giữa trời mưa phùn lất phất, chúng tôi gặp chị Vũ Thị Hạnh, quê ở huyện Giao Thủy, Nam Định. Nhìn khuôn mặt khắc khổ của chị, chẳng ai nghĩ chị mới ngoài 40 tuổi. Gia đình nghèo, làm chẳng đủ ăn nên chị phải bươn chải lên Hà Nội kiếm sống bằng nghề nhặt phế liệu. Đôi tay của chị đeo một chiếc găng tay đã sờn rách, bới trong thùng rác để lấy những chiếc vỏ lon, vỏ chai hay bất cứ những gì có thể bán được. Chị cho biết, mỗi ngày nhặt phế liệu như này cùng lắm cũng chỉ kiếm được 20.000 đồng. Nhưng như thế đã là hơn thu nhập ở quê nhà.

img_4847.jpg
Mỗi ngày làm việc vất vả như này, chị Hạnh cũng chỉ kiếm được nhiều lắm là 20.000 đồng
Chị Hạnh thậm chí còn chẳng bao giờ nghĩ đến ngày 8/3. Khi chúng tôi hỏi chị có một ước vọng gì cho ngày phụ nữ, chị chỉ lặng đi. Đôi mắt của người phụ nữ lam lũ thoáng buồn. “Thì tôi cũng chỉ mong kiếm được đồng tiền mang về phục vụ cho gia đình, cho các con đi học để mong chúng sẽ tốt hơn mình, cơ cực lắm chú ạ!” - chị Hạnh nói.

Chúng tôi tiếp tục đi trên con phố sầm uất nhất Thủ đô, chị Hương, quê ở Thanh Hóa, cả hai vợ chồng lên Hà Nội làm nghề bán ngô dạo. Đêm đã về khuya, chợ cũng vắng người hơn. Chị Hương chuẩn bị đẩy chiếc xe bán ngô trở về nhà trọ. Gia đình có 4 người, hai vợ chồng làm xa nên để hai đứa con ở quê cho ông bà chăm sóc. Tươi cười chào chúng tôi, chị nói: “Mình cũng muốn có ngày 8/3 lắm chứ, phụ nữ mà. Ông xã cũng chẳng bao giờ nghĩ đến ngày này cả. Bươn chải suốt ngày mình cũng hiểu chứ, lấy tiền đâu ra. Tiền kiếm được còn tiết kiệm để gửi về cho con”.

Có bao giờ dám nghĩ đến 8/3 đâu...
3h sáng tại chợ đầu mối Long Biên, trời mưa bắt đầu nặng hạt hơn. Đây là lúc chợ bắt đầu hoạt động tấp nập nhất. Lực lượng lao động chính ở đây là phụ nữ làm nghề khuân vác hoa quả. Trời mưa, nhưng trên lưng áo các chị vẫn ướt đẫm mồ hôi. Gồng gồng, gánh gánh những thùng hoa quả nặng trĩu, đôi quang gánh oằn trĩu nặng, mọi người bước đi thoăn thoắt để cho kịp chuyến hàng sau. Đi theo chị Dậu, quê ở Thái Bình, vừa đi chúng tôi vừa hỏi chuyện chị. “Đến ăn còn chẳng đủ thì lấy đâu ra mà nghĩ đến ngày này, ngày nọ hả anh. Mỗi gánh thế này chủ hàng trả cho 8.000 đồng, mà phải đi từ cổng chợ vào tận trong. Thùng hoa quả nặng chừng 50kg, trong một đêm cũng chỉ gánh được vài ba gánh là bở hơi tai rồi. Bây giờ có tuổi không được như trước nữa” - chị Dậu nói.

Chợ đầu mối Long Biên, nơi lao động chính là các chị em phụ nữ
Chợ đầu mối Long Biên tập trung đông đảo lực lượng lao động mà đa phần là các chị em ở những vùng quê nghèo lên đây kiếm sống. Công việc chủ yếu là về đêm khi các xe hàng đổ về. Không biết ai trong số họ có được một bông hoa trong ngày của các chị, các mẹ này không?

Trời tảng sáng. Người mà chúng tôi hỏi chuyện là chị Hậu, làm nghề bán hoa quả dạo. Nhanh tay xếp những trái hồng xiêm vừa mới mua được để chuẩn bị đi bán, chị cho biết: “Tôi cũng chỉ mong trong ngày này mình bán được nhiều hàng hơn thôi. Ngày này để dành cho người ta chứ mình thì làm gì có”.

Nhọc nhằn bươn trải trong cuộc sống
Trời sáng hẳn, cơn mưa phùn cũng tan. Trên đường, những người đàn ông cầm trên tay những bó hoa để dành tặng cho người phụ nữ yêu thương của mình trong ngày đặc biệt, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Nhưng đâu đó, vẫn còn nhiều người phụ nữ không có được những hạnh phúc bình dị./.