Thời điểm này những năm trước là mùa cao điểm tuyển dụng ở tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu của các doanh nghiệp ở tỉnh Khánh Hòa hạn chế. Năm 2021, tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động.
Anh Nguyễn Văn Cường, 35 tuổi, ở phường Phước Long, thành phố Nha Trang nhẩm tính đến nay mình bị mất việc làm tại một khách sạn 5 sao đã 9 tháng. Cuộc sống gia đình chật vật với nhiều khoản chi tiêu nhưng anh Cường vẫn chưa tìm được việc làm mới, phù hợp với nghề lễ tân của anh. Một số hồ sơ đã nộp vẫn chưa nhận được hồi âm.
Không tìm được việc làm, anh Nguyễn Văn Cường đành đi phụ việc trong lĩnh vực xây dựng nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Anh cho biết, đã gửi hồ sơ đến 2 công ty mà họ cũng chưa cần.
"Bây giờ chạy ăn từng bữa luôn. Không ở trọ được. Phụ hồ thì làm ngày nào ăn ngày đó, họ thích thì kêu mình đi làm, không thích thì nghỉ 2-3 ngày luôn. Làm rất là mệt. Vợ, con, tiền học hành, đi chợ, nấu ăn... ớn rồi...”, anh Cường nói.
Những năm trước, thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Theo ông Lê Trọng Bằng, quản lý một khách sạn cho biết, sau nhiều tháng cầm cự, doanh nghiệp của ông đã đóng cửa cách đây 4 tháng vì không có khách, 30 nhân viên phải nghỉ việc. Không biết bao giờ khách sạn hoạt động trở lại nên việc tuyển mới nhân viên chưa được tính đến.
Ông Lê Trọng Bằng cho rằng, đây là điểm chung của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ- du lịch tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.
“Mình đâu có duy trì nổi. Vì đâu có nguồn thu vào. Giờ và sang năm cũng không có nhu cầu tuyển mới. Bây giờ, nếu mình mở lại doanh nghiệp của mình thì mình sẽ gọi những người cũ. Phải ưu tiên cho nhân viên cũ. Công việc phải phát triển lên mới tuyển mới”, ông Bằng nói.
2 tháng trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa khả quan hơn những tháng trước với số lượng khoảng gần 400 lao động. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là công nhân có tay nghề, bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản...
Điều mâu thuẫn là lao động khối du lịch, dịch vụ không kiếm được việc nhưng doanh nghiệp có nhu cầu lại không tuyển dụng được.
Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhiều người lao động có tay nghề đang có tâm lý chờ đợi để ngành du lịch hồi phục thay vì chuyển sang ngành khác.
“Xu hướng cũng đang chờ trong những năm tới. Cũng có những định hướng phát triển về kinh tế du lịch nên các xu hướng theo đấy. Người lao động người ta đã học hành, có tay nghề ổn định, học sơ cấp, trung cấp nên người ta chỉ làm những nghề phổ thông tạm thời thôi. Chứ chuyển nghề kia thì cũng khó”, ông Khả cho biết.
Theo ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, thị trường lao động sẽ ấm dần lên trong quý 1 năm nay nhờ nhu cầu tuyển dụng của các dự án lớn tại Khu Kinh tế Vân Phong.
Các dự án này chủ yếu thuộc về lĩnh vực năng lượng, hiện đang giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công, cần lượng lớn lao động. Ông Văn Đình Tri cho biết, mỗi tháng sẽ có 1 phiên giao dịch việc làm gắn với đào tạo nghề để giải quyết đầu ra cho lao động mất việc, đảm bảo nhân lực các dự án, đồng thời đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động.
“Tổ chức thường xuyên các phiên giao dịch việc làm, kết nối các cơ sở đào tạo, người lao động với lại nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Kịp thời đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án, để chuyển dịch người lao động lĩnh vực khác sang công nghiệp” ông Tri cho biết.
Theo ông Tri, tính đến hết năm 2020, tỉnh Khánh Hòa có hơn 20 ngàn người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, số lượng lao động bị mất việc làm còn nhiều hơn rất nhiều./.