Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều nay (26/10), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người là anh, chị, em của người đã ly hôn. Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là “người tình” của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong thực tế, nhiều trường hợp nam, nữ không kết hôn hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Xuất phát từ nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm”, mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những người đã ly hôn với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của Luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình, xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong tương lai. Đồng thời, những người trong cuộc được áp dụng các quy định đặc thù trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình để mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.
So với Luật hiện hành, dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 đã thu hẹp nhóm đối tượng, chỉ áp dụng đối với “người đã ly hôn” và “người chung sống với nhau như vợ chồng”. Trong khi trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng cần áp dụng quy định của Luật này.
Ngoài ra, không phải tất cả hành vi bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 đương nhiên áp dụng đối với những đối tượng quy định tại khoản 2 (là những đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình). Mọi hành vi đều được xem xét trong những trường hợp cụ thể, trong những hoàn cảnh cụ thể gắn với trách nhiệm của các đương sự trong từng mối quan hệ cụ thể.
Do vậy, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật như thể hiện tại khoản 2 Điều 3 và giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này để tăng tính chặt chẽ của quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ quy định giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định bảo đảm việc hòa giải không bị lợi dụng để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hình sự. Có ý kiến đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải đối với trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em.
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 17 để thể hiện rõ hòa giải là biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình từ sớm để không làm phát sinh hoặc tái diễn bạo lực gia đình; hòa giải không thay thế các biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình và một trong các nguyên tắc của hòa giải để phòng ngừa bạo lực gia đình là không hòa giải hành vi bạo lực gia đình./.