Sáng 18/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội là việc thành lập "Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương".
Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành không quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương, chỉ có quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai cấp tỉnh để hỗ trợ hoạt động phòng chống thiên tai.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tại Điều 10 có bổ sung Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế kịp thời, đúng quy định.
Về đối tượng thu của Quỹ phòng chống thiên tai không thay đổi (ở Trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai).
Nguồn hình thành quỹ dự kiến từ nguồn tiếp nhận hỗ trợ tự nguyện của các tổ chức quốc tế trong trường hợp khẩn cấp và các nguồn đóng góp hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước. Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, sẽ sử dụng kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai Trung ương để xử lý, hỗ trợ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Ngoài ra, còn được chi vào các hoạt động phòng chống thiên tai mang tính chất quốc gia, liên vùng.
Cụ thể việc thành lập, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương và ở cấp tỉnh sẽ được quy định chi tiết trong Nghị định của Chính phủ.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Quochoi.vn |
Góp ý vào Dự án luật, đại biểu Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm không nên đưa các loại quỹ ngoài ngân sách vào Luật và đối với Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều cũng không nên tạo tiền lệ.
Ông nhấn mạnh, cách sử dụng và hiệu quả sử dụng quỹ hiện nay có vấn đề. Khi thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn, hiện có 2 quỹ: một là quỹ Chữ thập đỏ trong Hội chữ thập đỏ Trung ương; hai là quỹ do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kêu gọi trong nước và quốc tế trong trường hợp đặc biệt.
“Vừa qua, quỹ Chữ thập đỏ, quỹ của Mặt trận, quỹ của các tổ chức chính trị xã hội, nhà hảo tâm hỗ trợ các vùng bị bão lụt, thiên tai, hỏa hoạn rất có vấn đề. Tức là chúng ta không có một trung tâm để phân bổ, điều tiết các nguồn, nên chỗ cần đưa vào thì không đưa, chỗ cần đưa có mức độ thì lại đưa quá nhiều, chỗ người dân rất cần hỗ trợ thì lại không có. Do đó, nên tập trung vào quỹ hoạt động Chữ thập đỏ mà có 2 tổ chức được kêu gọi là Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội chữ thập đỏ Việt Nam để giải quyết vừa căn cơ vừa có hiệu quả” – ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, hoạt động kêu gọi từ thiện nhân đạo hiện nay đang có vấn đề. Người nào cũng có thể kêu gọi từ thiện với tư cách cá nhân, nhưng không biết quỹ đó có đến được với người dân hay không. Vì vậy, cần tuân thủ Luật hoạt động Chữ thập đỏ; hơn nữa đối với quỹ phòng chống thiên tai nên tuân thủ theo nguyên tắc đảm bảo thống nhất về quản lý Nhà nước để làm sao công tác từ thiện nhân đạo đến được với người dân.
"Không chỉ ở Trung ương mà ở địa phương cũng có tổ chức Chữ thập đỏ, có Mặt trận Tổ quốc, do đó cần thiết làm sao huy động nguồn lực tập trung để nâng cao hiệu quả. Chúng ta đừng nghĩ cứ kêu gọi của dân thì không phải là ngân sách Nhà nước. Ngân sách, tiền tài của dân là ngân sách của Nhà nước” – ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm.
Giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ Hội
Đề cập đến các Hội trong phiên thảo luận ở tổ, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, Quốc hội nên quan tâm, xem xét lại các Hội hiện nay. Theo ông, Hội nào cũng đều có mục tiêu, mục đích, vì đất nước, nhưng quá trình tổ chức hoạt động lại có nhiều chuyện để bàn. Có những Hội không những không làm cho tổ chức mạnh hơn mà còn gây khó khăn cho tổ chức.
“Hầu hết các Bộ, ngay Bộ tôi (Bộ LĐTB &XH), có đến 90% Thứ trưởng trước khi về hưu đều đề nghị cho thành lập Hội và đều xung phong làm Chủ tịch Hội với tinh thần “tự nguyện, tự quản, tự cung, tự cấp”- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nói và cho rằng, không có Hội nào tự quản, tự chủ hết mà Hội nào cũng bám vào trụ sở, có Hội trụ sở chính, có Hội trụ sở phụ. Có Hội khi bị yêu cầu trả lại trụ sở thì tìm mọi cách để tác động lấy diện tích còn rộng hơn, chưa kể phương tiện đi lại đủ các loại.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo ông Đào Ngọc Dung, các Hội hiện nói tự chủ, tự quản nhưng hầu hết chuyển sang Hội đặc thù để được phân bổ biên chế, cấp ngân sách, trụ sở, phương tiện, cơ chế hoạt động. Mặt khác, quy định Hội trực thuộc sự quản lý cơ quan Nhà nước nhưng hầu hết còn đề nghị Bộ trưởng ký phối hợp chương trình hoạt động cho tốt và đề nghị cử Thứ trưởng sang làm thành viên Hội.
Từ thực trạng trên, ông Dung đề nghị phải siết lại việc thành lập, tổ chức Hội. Khi chưa có luật Hội thì xem xét rà soát lại, chuyển bớt Hội đặc thù sang Hội tự chủ, tự quản. Không nên để tình trạng như trên, gây khó khăn cả cho cho Trung ương và địa phương.
Đề cập thêm về vấn đề quỹ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đề nghị không nên đưa các loại quỹ vào Luật mà Quốc hội nên giao Chính phủ rà soát lại các loại quỹ, nhất là quỹ Hội.
"Bộ tôi hiện nay có 38 loại quỹ nhưng Bộ trưởng không nắm được quỹ gì. Nghị định quy định Bộ trưởng làm quản lý Nhà nước nhưng quy định quản lý Nhà nước thế nào với Hội, với quỹ thì lại không có, muốn thanh tra kiểm tra thì không có quyền"- Bộ trưởng nêu thực trạng và cho biết nhiều Hội thu quỹ lớn, bao gồm quỹ quốc tế, quỹ trong nước nhưng hoạt động như thế nào không ai biết.
Khác với quan điểm của 2 đại biểu trên, ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM) ủng hộ việc thành lập quỹ phòng chống thiên tai. Việc quản lý quỹ nên giao cho các địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh để chỉ đạo trực tiếp, đồng thời chủ động sử dụng nguồn quỹ này khi có việc cấp bách xảy ra.
Việc quản lý quỹ đảm bảo tính minh bạch và có sự giám sát của hệ thống chính trị, đặc biệt là của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để sử dụng quỹ này xây dựng công trình phòng, chống thiên tai.
“Trước khi cơn bão về, tàu bè phải cập đến nơi tránh bão, tuy nhiên những nơi này lại không đảm bảo an toàn. Vì vậy, việc tập trung đầu tư vào những nơi phòng tránh bão là rất cần thiết và cần được đầu tư chính đáng. Bên cạnh đó, việc di chuyển người dân đến khu vực tránh bão cũng phải đảm bảo an toàn cho người dân”- đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết./.
Kẽ hở Luật Xây dựng tạo cơ hội cho giới “đầu cơ” xâm lấn biệt thự cổ
Tuần làm việc thứ 5, Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm 2 nhân sự