Năm 1968, tại trận đánh Bàu Hang, Sư đoàn 7 nhận mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền tấn công vào căn cứ Sở Gà, Sở Hội, Đồng Tràm, Bắc thị xã Thủ Dầu Một (nay là ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Trận chiến ác liệt này khiến 42 chiến sĩ quân giải phóng hy sinh anh dũng.

Sau trận đánh, quân Australia đã dọn dẹp chiến trường và chôn cất các chiến sĩ hy sinh vào các hố bom. Họ cũng lập biên bản và chụp ảnh lưu lại sự việc. Toàn bộ tư liệu quý giá này hiện đang được các cựu binh Australia nắm giữ.

Dựa trên thông tin do các cựu chiến binh Australia cung cấp và danh sách liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã phối hợp khảo sát và tổ chức tìm kiếm suốt nhiều năm qua tại khu vực ấp Chòi Dúng. Diện tích rộng hơn 5.000m2, với địa hình phức tạp, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ gặp vô vàn khó khăn.

Sau nhiều lần kiên trì, tháng 3/2024, họ đã phát hiện hài cốt các liệt sĩ được chôn tập thể dưới độ sâu 6m. Cùng với hài cốt, những di vật như: dép cao su, bi đông, chén, bút viết... cũng được tìm thấy.

Theo lời kể của ông Trần Trung Lương, Sĩ quan tham mưu Sư đoàn 7, hơn 100 đồng đội đã hy sinh tại trận đánh Bàu Hang. Sau chiến tranh, đồng đội nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng do địa hình thay đổi và thông tin sai lệch, việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Đối chiếu các di vật, danh sách, lời nhân chứng, xác định dưới hố chôn tập thể có ít nhất 20 liệt sĩ.

“Trong cái mừng đó cũng có cái tủi, tại sao mấy chục năm mới tìm thấy anh em, đây là nỗi đau. Không phải trận này mà còn những trận khác còn nhiều anh em hy sinh mà không biết khi nào mới tìm được. Do đó, bây giờ còn hơi sức, chúng tôi sẽ tiếp tục đi tìm đưa các anh về với gia đình, người thân”, ông Trần Trung Lương nói.

Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, xúc động, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ an táng cho các anh hùng liệt sĩ.

Đặc biệt, xúc động trong buổi lễ là sự hiện diện của nhiều thân nhân liệt sĩ. Sau bao năm mòn mỏi tìm kiếm, họ vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi được gặp lại người thân, dù chỉ là những mảnh xương còn sót lại.

Bà Nguyễn Thị Mận (quê Thái Bình), nghẹn ngào chia sẻ: Anh trai Nguyễn Văn Côi (SN 1947) đi nghĩa vụ từ năm 1966. Đến năm 1968, gia đình nhận được tin báo anh đã hy sinh ở khu vực Sông Bé (nay là Bình Dương). Suốt mấy chục năm qua, gia đình đã đi tìm khắp nơi nhưng không tìm thấy.

 “Hai chị em đi tìm ở xã này, xã kia, đi về nghĩa trang Sông Bé, nghĩa trang Tân Uyên tìm cũng không thấy. Sau khi nghe tin Quân đoàn 7 họ đã quy tập về đây và làm lễ truy điệu thì gia đình cũng đã đến đây để thăm, biết được nơi yên nghỉ của anh”, bà Mận cho hay.