Thông tin tại hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư do Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức sáng 16/5.
Đến cuối năm 2023, tỉnh Gia Lai có 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm trên 91% dân số. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 82%. Tỉnh hiện có 38 cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ bản đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, tại hội nghị, đại diện các cơ sở y tế ở Gia Lai đã nêu một số bất cập như: nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm mua bảo hiểm y tế cho người lao động; tình trạng cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh chậm thanh toán, quyết toán, việc áp chi phí khám chữa bệnh chưa sát với nhu cầu của người dân.
“Việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí đối với cơ sở khám chữa bệnh chưa hợp lý. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của quý trước đã được quyết toán, để áp dụng cho quý sau; tháng 10 năm sau thì mới quyết toán cho năm trước dân tới tình trạng chậm quyết toán, thanh toán trong năm, gây ảnh hưởng tới hoạt động của các bệnh viện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện nợ thuốc, nợ vật tư của các nhà cung cấp”, ông Nguyễn Đăng Bảo, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Đa khoa Gia Lai nêu ý kiến.
Tại hội nghị, ông Châu Ngọc Tuấn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Gia Lai cho biết, mục tiêu của tỉnh tới cuối năm 2025 có 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân tộc thiểu số là 98%. Các cơ quan đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với bảo hiểm xã hội thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm y tế; cấp kinh phí mua bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng theo quy định; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát thực hiện chính sách bảo hiểm y tế…
Cùng với đó, ông Châu Ngọc Tuấn đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.
“Kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong công tác khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, chung tay của doanh nghiệp, nhân dân để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế ủng hộ các đối tượng yếu thế, người dân có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai chỉ thị, chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế”, ông Châu Ngọc Tuấn nêu ý kiến.