Sáng 19/3 tại TP Quảng Ngãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo Quốc gia: Đánh giá nguy cơ tại nơi làm việc nhằm cải thiện điều kiện lao động trên cơ sở kết hợp cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ (WISE) và dịch vụ y tế lao động.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Lao động, Bộ LĐ-TB&XH nói: Hội thảo là một trong các hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ An toàn Vệ sinh lao động Phòng chống cháy nổ năm 2011. Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN năm 2011 có chủ đề “An toàn lao động vì hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”. Việc nhận biết các nguy cơ tại nơi làm việc có vai trò quan trọng trong việc đề ra các giải pháp nhằm cải thiện điều kiện lao động, tiến tới giảm dần số vụ tai nạn, bảo đảm an toàn cho người lao động.

Ông Tôn Thất Khải, Chuyên gia ILO về An toàn VSLĐ, trình bày quan điểm của ILO về hệ thống quản lý ATVSLĐ tại nơi làm việc, gồm:  Thu thập thông tin, xác định nguy cơ, đánh giá rủi ro, đưa ra những hành động để giảm rủi ro, tư liệu hóa các rủi ro và nguy cơ xảy ra TNLĐ

ong-KHai.jpg

Ông Tôn Thất Khải, Chuyên gia ILO về An toàn VSLĐ phát biểu tại Hội thảo

Theo chuyên gia ILO, hệ thống quản lý ATVSLĐ gồm 2 bước: can thiệp chính sách và nơi làm việc. Tại nơi làm việc lại có 2 cách tiếp cận: về cấp quốc gia, ILO cùng làm việc  xây dựng tiêu chuẩn và đưa vào áp dụng. Ở cấp cơ sở, tức là tại các cơ sở làm việc, ILO làm việc để xây dựng Ban ATLĐ, xây dựng phương pháp tiếp cận, đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả lĩnh vực phi kết cấu, để cùng nhau xây dựng hệ thống về ATLĐ.

Ông Vũ Như Văn, Quyền Cục trưởng Cục An toàn Lao động trình bày giải pháp giảm tai nạn lao động của Bộ LĐ-TB&XH. Tại Việt Nam, thống kê trong 5 năm (2006-2010), trung binh mỗi năm xảy 5.800 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó khoảng hơn 500 vụ có tai nạn chết người. Đáng chú ý, năm 2010 số vụ TNLĐ xảy ra ít nhất, nhưng số vụ TNLĐ có người chết lại cao nhất (554 vụ), với 601 người chết.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy, nghề có tỷ lệ xảy ra TNLĐ nghiêm trọng nhất là Khai thác mỏ và xây dựng (chiếm 47%), tiếp sau là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp (chiếm 20%). Về nguyên nhân để xảy ra TNLĐ, về phía người sử dụng lao động, không huấn luyện về ATLĐ cho người lao động, trang vị thiết bị không bảo đảm an toàn…

Về phía người lao động, người bị nạn vi phạm quy trình, quy phạm ATLĐ; không sử dụng đầy đủ đúng cách các phương tiện bảo vệ cá nhân… Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ, nhưng nhiều quy định đặt ra không có chế tài hoặc chế tài không đủ mạnh; lực lượng thanh tra lao động chưa tương xứng với tốc độ hát triển của các doanh nghiệp…

Từ những nguyên nhân và nguy cơ đó, Bộ LĐ-TB&XH đề ra một số giải pháp giảm TNLĐ như: Tổ chức thực hiện tốt Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường huấn luyện, củng cố hệ thống quản lý ATVSLĐ; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đến các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho đội ngũ thanh tra viên, tăng cường công tác tự kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSLĐ.v.v…

Hội thảo cũng nghe các tham luận và ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu quốc gia và quốc tế về đánh giá nguy cơ của amiang đối với môi trường và sức khỏe của người lao động, giải pháp loại trừ nguy cơ của amiang đối với sức khỏe của người lao động./.