Những ngày qua, ông Đoàn Văn Tám, ở ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách ngày nào cũng đều ra thăm vườn của gia đình để theo dõi độ mặn và chủ động nguồn nước tưới tiêu cho 49 gốc sầu riêng đang chuẩn bị thu hoạch trong gần 1 tháng tới. Ông Tám còn trang bị thêm dụng cụ để đo độ mặn trước khi lấy nước tưới tiêu.
Theo ông Tám, hạn mặn năm nay diễn biến nghiêm trọng, các con sông cạnh vườn nhà ông, mặn xâm nhập đến nay đã hơn 2 tháng, có lúc mặn lên đến 2,7‰, có lúc thì thấp hơn, nhất là thời điểm triều cường dâng cao, vì vậy, nhà vườn như ông rất quan tâm đến xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Ông Đoàn Văn Tám kiểm tra hệ thống tưới tiêu trong vườn sầu riêng của gia đình. |
“Nếu mà thời gian tới nước mặn xâm nhập lâu dài, tôi có tính một phương pháp là đê bao lại các mương trong vườn để chứa nước. Tôi sẽ nạo vét sình non dưới mương lên rồi trải cao su để trữ nước, để nếu có độ mặn quá, tôi sẽ sử dụng nguồn nước đó tưới cho cây. Ở ngoài mình đẩy bọng lại”- ông Tám chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Hòa có hơn 3.200 ha trồng cây ăn trái, trong đó nhiều nhất là sầu riêng, vú sữa, mận, mít thái… Nhiều năm nay, các loại cây trồng này đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn. Vì thế, công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp thời điểm này đang được chính quyền và nhiều nông dân quan tâm, tiến hành khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó.
Ông Đoàn Út Xuân, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Lợi 1, ấp Hòa Lộc 2, xã Xuân Hòa cho biết, hợp tác xã Hưng Lợi 1 có 25 thành viên với 30ha diện tích trồng cây sầu riêng. Tất cả diện tích này đều đang cho trái, trong đó, nhiều diện tích đang chuẩn bị thu hoạch. Trước hạn mặn diễn biến gay gắt, các thành viên hợp tác xã đã chuẩn bị nhiều giải pháp cũng như trang bị sẵn máy đo độ mặn để kịp thời theo dõi và ứng phó.
Cán bộ xã cùng nhà vườn bàn về biện pháp ứng phó mặn xâm nhập. |
“Hợp tác xã thì mới thành lập, chưa có tập trung được, nên người làm cách này, người làm cách kia. Nói chung là ứng phó với nước mặn để đạt kết quả nhất là bơm nước mặn ra khi nước có độ mặn, chừng nào có nước ngọt thì bơm nước vào trữ lại”- ông Út nói.
Năm 2019, huyện Kế Sách đã mở nhiều lớp tập huấn về nâng cao năng lực ứng phó hạn, mặn cho bà con nông dân. Đối với vườn cây ăn trái, huyện khuyến cáo nông dân nạo vét mương vườn để tăng khả năng chứa nước, tu sửa cống, bọng, bờ bao để chủ động giữ ngọt, ngăn mặn và chuẩn bị vật liệu che phủ liếp vườn để giảm sự bốc hơi nước trong vườn cây. Huyện cũng cấp bổ sung máy đo độ mặn điện tử cho các xã, thị trấn để có thể đo và cung cấp thông tin diễn biến nước mặn kịp thời giúp nông dân lấy nước an toàn, ngăn mặn, giữ ngọt hiệu quả. Đặc biệt, thông tin về độ mặn được cập nhật kịp thời và phổ biến đến rộng rãi nông dân thông qua nhiều hình thức như tin nhắn, nhóm zalo, phát trên Đài Truyền thanh huyện, thông tin lưu động của xã… để nông dân có thể chủ động lấy nước, ngăn mặn kịp thời và có biện pháp chăm sóc cây trồng phù hợp.
“Khi có mặn xâm nhập từ cửa sông, ở Nhơn Mỹ có hệ thống quan trắc, đo độ mặn nên phòng Nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi thông báo cho địa phương. Ở đây chúng tôi cũng chủ động, theo dõi. Nếu trường hợp lên cao 5‰ ở dưới, sẽ cử cán bộ đến các cửa sông để đo độ mặn, khu vực thủy triều dâng lên trước để mình thông báo cho bà con chủ động” - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phan Hải Hoàng Tâm cho biết thêm.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó, nên đến nay dù đã hơn 2 tháng bị xâm nhập mặn, cây ăn trái huyện Kế Sách chưa ghi nhận thiệt hại. Tuy nhiên, huyện Kế Sách thuộc vùng dự án thủy lợi hở, chỉ khép kín từng khu vực có quy mô 30-50 ha nên khả năng trữ nước trong kênh thủy lợi không nhiều. Trường hợp xâm nhập mặn gay gắt kéo dài, thiếu nước ngọt xảy ra liên tục khả năng sẽ ảnh hưởng rất cao đến vườn cây ăn trái của địa phương./.