Giáo sư-Viện sĩ Đào Thế Tuấn, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, nguyên Viện trưởng Viện KH-KT nông nghiệp Việt Nam (nay là Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - VAAS), Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn (PHANO), đã từ trần hồi 11 giờ, ngày 19/1/2011, hưởng thọ 81 tuổi. Ông được ví như cây đại thụ trong lĩnh vực “tam nông”.

GS-VS Đào Thế Tuấn sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống cách mạng, cha là nhà văn hóa lớn Đào Duy Anh, nên ông sớm tham gia cách mạng. Sau chiến dịch Tây Bắc năm 1953, ông cùng 50 người được chọn đi học ở Liên Xô. Đào Thế Tuấn học Khoa Nông học tại Đại học Nông nghiệp Tachkent. Mặc dù khi đó trường phái Lysenko đang thịnh hành, nhưng ông lại nghiên cứu theo trường phái Vavilov tiến bộ hơn.

Năm 1955, khi mới 24 tuổi, ông đã viết cuốn sách đầu tiên về sinh thái và nguồn gốc cây lúa, được Viện Hàn lâm nông nghiệp Liên Xô xuất bản. Đến năm 1958, ông hoàn thành chương trình kỹ sư nông học và tiến sĩ nông học, rút ngắn thời gian 3 năm, và là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô đào tạo.

Về nước, ông dạy môn sinh lý thực vật tại Học viện Nông lâm, bắt đầu nghiên cứu về cây lúa, kiêm trưởng phòng khoa học của Viện. Nhận rõ thất bại của việc học tập phong trào đại nhảy vọt của Trung Quốc cấy dồn lúa để đạt năng suất cao, ông nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân của hiện tượng lốp đỗ lúc cấy dày và bón nhiều đạm.

Các nghiên cứu của ông cho thấy cây trồng của nước ta rất cần lân nhưng bón lân không có hiệu quả, từ đó ông đề xuất phương pháp biến lân thành đạm, qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh, lấy bèo hoa dâu và lá cây điền thanh bón cho lúa. Công trình khoa học này chẳng những giải tỏa ứ đọng supe lân của Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, mà còn được Hội nghị khoa học quốc tế Bắc Kinh (1963) đánh giá cao.

Cũng từ đây, ông chuyển hẳn sang công tác nghiên cứu khoa học tại Viện Nghiên cứu khoa học nông nghiệp do GS. Bùi Huy Đáp làm Viện trưởng. Ở môi trường mới, ông đã nghiên cứu tìm ra nguyên nhân bệnh vàng lụi đang lan rộng không phải là một bệnh sinh lý, mà là một bệnh virus do do bộ rày xanh đuôi đen truyền bệnh. Nhưng phục hồi được bằng các biện pháp canh tác như bón kali, làm cỏ sục bùn. Cùng thời gian, ông tìm ra các giống lúa chịu bệnh có trong nước và 2 giống của nước ngoài, vừa thanh toán nhanh chóng bệnh nguy hiểm này (sau một số năm, Viện Lúa quốc tế - IRRI xác định là bệnh tungro), vừa giúp các nước Đông Nam Á không bị ảnh hưởng. Giống lúa chịu bệnh tungro là IR64 được ông phổ biến ở vùng Điện Biên, giúp dập tắt bệnh vàng lụi tái phát ở đó và nay trở thành “gạo tám Điện Biên” nổi tiếng.

Trong phong trào thâm canh lúa phấn đấu đạt 5 tấn/ha/vụ, các kết quả nghiên cứu của ông đã xác định kiểu giống lúa năng suất cao, xác định mô hình các ruộng thâm canh năng suất cao. Đặc biệt đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa đạt 10 tấn/ha/vụ vào các năm 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ở các vùng sinh thái khó khăn như hạn hán, lụt úng, chua mặn, miền núi không cấy được các giống của cách mạng xanh. Ông cùng các cộng sự đã tạo được một loạt giống lúa đáp ứng được yêu cầu thâm canh tại các vùng sinh thái khó khăn đó, đồng thời nghiên cứu sinh lý sang một số cây trồng khác ngoài lúa, phục vụ chuyển đổi hệ thống cây trồng như ngô, đậu tương và tạo ra các giống chống sâu bệnh.

Giữa lúc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, năm 1967, ông và một đoàn cán bộ trẻ được cử vào Nghệ An giúp tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Tại đây, ông bắt tay vào chống bệnh vàng lụi, cấy lúa xuân, thâm canh khoai lang đông-xuân. Ông nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm các cây trồng khác năng suất cao có thể trồng trong vụ đông để thay thế cây khoai lang địa phương năng suất thấp. Có thể nói nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho việc tăng vụ và phát triển vụ đông ở Việt Nam lúc bấy giờ.

Trở lại Viện, ông tiếp tục nghiên cứu thâm canh lúa và bắt đầu xây dựng cơ sở khoa học của việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thành lập bộ môn cây trồng cạn đầu tiên ở Việt Nam, tiến hành nhiều thí nghiệm hàng loạt giống cây xứ lạnh, xứ nóng trong điều kiện khí hậu nước ta. Những thí nghiệm này đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển cây vụ đông, mở đầu cho việc đa dạng hóa sản xuất, đặt cơ sở cho việc nghiên cứu hệ thống canh tác. Từ đó, một loạt tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau, như trồng ngô vụ đông bằng mạ ngô (ngô bầu), chỉ đạo cải tạo đất phèn, nghiên cứu hệ sinh thái chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng bản đồ canh tác vùng chiêm trũng, trồng đậu tương đông sau lúa không cày…

Ông đã được nhiều tổ chức quốc tế mời dự hội thảo, trao đổi và giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam, được Nhà nước phong hàm Giáo sư năm 1985, được Viện hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên Xô bầu làm thành viên nước ngoài của Viện. Ông cũng đã góp phần tích cực vào việc ra đời Nghị quyết 10 - Bộ Chính trị năm 1988. Ông là cha đẻ của hệ thống khoa học nông nghiệp, bắt đầu từ nghiên cứu hệ thống lúa, tiến tới nghiên cứu hệ thống cây trồng, rồi hệ thống nông nghiệp bao gồm cả chăn nuôi và khu vực dân cư của hộ nông dân.

Khi tham gia tổ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo, ông càng khẳng định phải nhìn nông nghiệp Việt Nam một cách toàn diện, gắn với việc phát triển của đất nước. Năm 1984, ông tham gia chương trình hợp tác khoa học - kỹ thuật với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Pháp (gọi là Chương trình hệ thống nông nghiệp lưu vực sông Hồng), xây dựng bộ môn Hệ thống nông nghiệp đầu tiên ở Việt Nam, tạo ra cơ sở khoa học để xác định các chính sách nông nghiệp và nông thôn trong điều kiện đổi mới; đồng thời vạch ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ phát triển nông thôn. Đáng quan tâm là hệ thống này kết hợp nghiên cứu kỹ thuật và kinh tế xã hội với nghiên cứu về các thể chế nông thôn, nhất là thể chế kinh tế hộ nông dân. Ông cũng là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu chuyển từ một nền kinh tế tự cấp tự túc sang kinh tế hàng hóa trong nông thôn.

Vô cùng thương tiếc GS-VS Đào Thế Tuấn - Cây tam nông đại thụ của Việt Nam, người bạn lớn của nông dân, nhà trí thức gắn bó cả đời người với nghiên cứu khoa học./.