Mới đây trong hội thảo khoa học An toàn lao động, an toàn môi sinh và sức khỏe cộng đồng, ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ của tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam đã  đưa ra những con số về tình trạng sử dụng rượu bia ở Việt Nam trong những năm gần đây và cảnh báo những nguy hại có thể gặp phải từ vấn đề này.

Ông Nguyễn Phương Nam cho biết, theo điều tra của WHO, trong giai đoạn 2005-2010, Việt Nam tăng tiêu thụ rượu bia từ 3,3 lít lên 6,6 lít cồn nguyên chất. Đặc biệt tiêu thụ rượu bia ở mức nguy hại đang có xu hướng trẻ hóa, tập trung cao nhất ở nhóm tuổi trẻ từ 18 đến 29 tuổi.

vov_bia_phxi.jpg
Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới (Ảnh minh họa).

Tỷ lệ người sử dụng rượu bia so sánh giữa 2 năm 2010 và 2015 trong nhóm tuổi 25-64 tuổi cũng tăng đáng kể. Cụ thể với nam tăng từ 69,5% lên 80,3%; nữ tăng từ 5,6% lên 11,2%.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và đứng thứ 10 trong khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phương Nam cũng chỉ ra rằng năm 2015, Việt Nam có đến 77,3%  nam giới và11,1% nữ giới sử dụng rượu bia. Con số này đưa Việt Nam lọt top những quốc gia tiêu thụ rượu bia lớn trên thế giới. Đáng chú ý hơn, có đến 44,2% nam giới uống ở mức nguy hại cho sức khỏe.

Trong số những người sử dụng rượu bia, có khoảng 45% trong số đó tham gia điều khiển các phương tiện giao thông. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông.

Rượu bia kẻ thù của sức khỏe

Theo chuyên gia Nguyễn Phương Nam, rượu bia có tác động độc hại lên các tế bào và các cơ quan của cơ thể, là tác nhân hàng đầu gây ra các bệnh về tâm thần, xơ gan, ung thư, tim mạch, đái tháo đường…Thêm vào đó say bia rượu dễ dẫn đến mất kiểm soát khả năng phối hợp của cơ thể, mất tỉnh táo, suy giảm khả năng nhận thức, tình cảm, hành vi dẫn đến tai nạn và bạo lực. Nếu lệ thuộc quá nhiều vào rượu bia khiến người uống giảm khả năng kiểm soát hành vi cá nhân.

Chuyên gia Nguyễn Phương Nam chỉ ra rằng, việc sử dụng nhiều bia rượu trước hết ảnh hưởng đến chính bản thân người dùng như gây các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi, thậm chí khiến người uống có khả năng tự tử.  Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có trung bình 3,3 triệu người tử vong, thì có đến 5,9%  trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu bia ở mức có hại. Có khoảng 2000 loại bệnh tật khác nhau liên quan đến sử dụng rượu bia, gần 50% tử vong là do liên quan đến việc sử dụng rượu bia ở mức nguy hại: ung thư, tim mạch, đái tháo đường.

Ở Thái Lan, có khoảng 43% vụ tự tử có liên quan tới sử dụng rượu bia , 38% nam giới tại Phần Lan từng có ý định tự tử do liên quan đến rượu bia.

Ngoài ra còn có những ảnh hưởng nguy hại đến cộng đồng xã hội như tai nạn giao thông do lái xe khi sử dụng bia rượu. Trên thế giới lượng người tử vong do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia năm 2004 là 268.246 người, đến năm 2012, con số này đã lên đến 495.000 người. Ở Việt Nam, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia là 36,2% với nam giới, 0,7%  với nữ giới.

Thêm vào đó, việc tiêu thụ nhiều rượu bia gây thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội, đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế , gia tăng bạo lực và phạm pháp hình sự. Chỉ tính riêng thiệt hại từ những vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia, mỗi năm Việt Nam cũng tiêu tốn gần 1 tỷ đô la Mỹ.

Từ những con số biết nói, chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới WHO cảnh báo, Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi sử dụng rượu bia. Tỷ lệ người uống ở mức nguy hại tăng, đặc biệt là nam giới, ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề năng suất lao động của quốc gia, gây áp lực trong hệ thống y tế, đặc biệt trong các bệnh mãn tính, có liên quan đến bia rượu. Vấn đề sử dụng rượu bia tăng cũng gây khó khăn cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc 2030.

Từ đó, chuyên gia này khuyến nghị cần sớm thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng như tăng giá rượu, bia, ít nhất từ 25-30%/ lít.  Bên cạnh đó cần cấm, kiểm soát chặt chẽ các hành vi khuyến mai, quảng cáo về bia rượu và các đồ uống có cồn khác. Hoàn thiện luật ATGT đường bộ và có những quy định chặt chẽ hơn về nồng độ cồn với ô tô, xe máy, có cơ chế xử phạt đầy đủ, tuyên truyền mạnh mẽ, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tác hại của rượu bia./.