Từ nhiều thế kỷ trước, người Lào thường đi thuyền ngược dòng sông Sêrêpôk để trao đổi, buôn bán hàng hóa với người dân huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam. Người Lào đã chọn mảnh đất này làm nơi an cư lập nghiệp. Đến nay, cộng đồng người Việt gốc Lào ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã lên đến hơn một trăm hộ. Họ đang chung sống chan hòa, đoàn kết và có sự giao thoa văn hóa với người dân bản địa.

Vừa tiễn đoàn du khách tới thăm quan trải nghiệm các điểm du lịch tại Buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, chị Sáo Bun Trâm Adrơng cho biết, năm nay chị gần 30 tuổi, và là con của gia đình có mẹ là người Lào, bố là người Ê đê. Chị chọn nghề hướng dẫn viên du lịch bởi chị thích được đưa du khách rong ruổi trên những con đường trong buôn, chia sẻ với họ về cuộc sống, nét văn hóa và phong tục tập quán của bà con đang sinh sống trên mảnh đất Buôn Đôn này: “Mang trong mình hai dòng máu Lào và Êđê, tôi đã chọn nghề hướng dẫn viên du lịch với mong muốn truyền bá văn hóa dân tộc mình đến nhiều người biết hơn. Trong thời gian tới, tôi muốn giới thiệu cho mọi người nhiều hơn về phong tục của hai dân tộc mình, đặc biệt là dân tộc Lào, có rất nhiều lễ, không chỉ Tết bunpimay và còn là lễ tháng 6, tháng 12 hằng năm.”

Ở Buôn Đôn, chuyện người Lào lấy người M’Nông, Ê Đê rất phổ biến. Họ giao thoa về văn hóa, ngôn ngữ nên rất khó để phân biệt người gốc Lào hay người địa phương. Anh Khăm Phon Lào, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn, hội viên Hội hữu nghị Việt – Lào huyện Buôn Đôn cho biết:  “Trong gia đình bây giờ lấy vợ, lấy chồng thành 7 dân tộc. Người Ê đê có, Jarai có, Hơ rê có, người Kinh có nên là khi về sống thì rất hài hòa. Từ ăn mặc rồi tiếng nói đều có những học hỏi lẫn nhau trong văn hóa của từng dân tộc. Tính ra từ trẻ em sinh ra và lớn lên ở cộng đồng Buôn Trí thì đều biết từ 2 đến 3 thứ tiếng, có những anh thành thạo thì nói đến 5-6 thứ tiếng của nhau.”

Ông Bun Mi Lào, năm nay gần 70 tuổi, sinh sống tại Buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn chia sẻ, dù những người Lào thế hệ đầu tiên di cư đến mảnh đất Buôn Đôn đã về với ông bà tổ tiên, song những thế hệ sau của dân tộc Lào tại xã biên giới Krông Na vẫn kết nối, tiếp nhận, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Lào và sống chan hòa, giao thoa văn hóa với các dân tộc tại địa phương nên nghĩa tình ngày càng bền chặt: “Ở đây làm ăn cũng dễ, rồi anh em đùm bọc lẫn nhau, có vấn đề gì khó khăn cũng giúp đỡ nhau, đất lành thì chim đậu. Người Lào, người Ê đê, người M’Nông, người Kinh như anh em một nhà.”

Theo ông Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Buôn Đôn hiện có 29 dân tộc cùng sinh sống với khoảng 70 ngàn khẩu, trong đó người Việt gốc Lào có khoảng 300 người. Những người Việt gốc Lào sinh sống ở đây luôn được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện trong mọi lĩnh vực để bà con yên tâm học tập, lao động và sản xuất phát triển kinh tế. Hàng năm, vào dịp Tết cố truyền của người Lào, huyện đều tổ chức trang trọng và đúng nghi thức.

 “Người Lào sinh sống trên địa bàn huyện được 300 năm nay. Bên cạnh các chính sách của Đảng và Nhà nước thì huyện cũng có những quan tâm đặc biệt đối với người Lào trên địa bàn, làm sao tạo sinh kế để người dân có thể phát triển được trên cái mảnh đất của mình. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến các loại hình du lịch, đặc biệt là đối với loại hình du lịch văn hóa bản sắc của các dân tộc, thì người Lào trên địa bàn huyện Buôn Đôn cũng là một trong những dân tộc có bản sắc riêng, chúng tôi cũng đang cố gắng khai thác những bản sắc đó để tạo nên những nét đặc trưng trong quá trình phát triển du lịch trên địa bàn.” - ông Phạm Trung Nghĩa nói.

Những người Việt gốc Lào đang sống chan hòa, đoàn kết với các dân tộc khác trên mảnh đất Buôn Đôn, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ trong đời sống, văn hóa góp phần ổn định an ninh chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.