Mỗi năm HTX muối Tam Hòa, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc sản xuất 6.000 tấn muối trên diện tích 94ha. Thu nhập bình quân của mỗi người làm muối chỉ dao động từ 240.000 – 250.000 đồng/tháng. Do giá muối không tăng, thu nhập thấp nên nhiều năm trở lại đây, thanh niên bỏ làng ra phố làm công nhân ở khu công nghiệp hay "chạy" đi xuất khẩu lao động. Trong làng, trẻ nhỏ và người già lại là lao động chính trên cánh đồng muối.

nghe-muoi.jpg

Nhiều diêm dân không còn mặn mà với nghề do thu nhập quá thấp

Ông Nguyễn Văn Huân - Chủ nhiệm HTX muối Tam Hòa, cho biết: Chỉ tính đơn giản, mỗi công nhân may mặc tại địa phương cũng có mức lương 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập nghề muối quá thấp nên người dân không còn mặn mà đầu tư, tái sản xuất muối. “Hiện nay, muối do bà con sản xuất ra, HTX mới chỉ bao tiêu được một phần, chưa có đơn vị nào liên hệ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nên đầu ra cho sản phẩm vẫn còn bế tắc" - ông Nguyễn Văn Huân cho biết thêm.

Hiện Thanh Hóa có gần 220ha đất đồng muối, ước sản xuất được 25.000 tấn mỗi năm. Thế nhưng, chỉ trong 6 tháng qua, sản lượng muối toàn tỉnh đã sụt giảm chỉ còn  37% so với kế hoạch năm nay. Thanh Hóa có 3 cơ sở thu mua và chế biến muối của tư nhân, còn lại phần lớn người dân phải tự tìm cách bán lẻ ra thị trường. Do tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá muối thấp, 1.000 đồng/kg nên người dân không còn mặn mà với nghề. Quanh năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời được 2 - 3 triệu đồng, tính ra chỉ bằng 20% so với sản xuất ngư nghiệp. Biết là bám nghề còn khó khăn, nhưng người dân cũng không còn nghề phụ nào để chuyển đổi. Trong khi đó, sự liên kết 4 nhà chưa được tốt, việc thực thi các chính sách hỗ trợ cho người làm muối chưa kịp thời.

Ông Hoàng Quy, Trưởng phòng chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Chi cục Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của cánh đồng muối đã xuống cấp, không còn đáp ứng yêu cầu sản xuất. Diện tích sản xuất có xu hướng giảm dần, nhỏ lẻ, manh mún là điều không tránh khỏi.

Ông Hoàng Quy đề xuất: “Để giảm bớt khó khăn cho bà con, phải có chính sách dài hơi để hỗ trợ, xem người làm muối như đồng bào khó khăn vùng 135. Thứ hai là cơ sở hạ tầng đồng muối phải rất đồng bộ. Chính phủ và các bộ nên tăng nguồn vốn cho nghề muối. Quy hoạch lại vùng sản xuất muối trên địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng các dự án phát triển, trong đó có cơ chế chính sách hỗ trợ người làm muối và cơ sở sản xuất muối từ đó mới giải quyết, tháo gỡ được khó khăn cho người sản xuất muối”.

Cũng như nhiều người làm muối ở các tỉnh phía Bắc, người làm muối xứ Thanh muốn phát huy nghề truyền thống, nhưng lực bất tòng tâm, giá muối năm nào cũng mất giá, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Cả năm một nắng hai sương, hạt muối trắng trong đó có biết bao giọt mồ hôi đắng chát của người dân, nhưng thu nhập không đủ sống. Chính quyền các cấp cần nghiên cứu chính sách kinh tế bền vững phù hợp với điều kiện từng địa phương để người làm muối có thể yên tâm gắn bó với nghề./.