Theo báo chí Trung Quốc, tính đến ngày 4/4, số trường hợp mắc cúm gia cầm H7N9 tại Trung Quốc đã lên đến 10 ca, trong đó có 5 ca tử vong. Ngoài số người đã tử vong, các trường hợp còn lại đều trong tình trạng nguy kịch. Tất cả đều làm công việc liên quan đến giết mổ gia cầm và đều có các biểu hiện ho, chóng mặt, sốt, khó thở.

Trước diễn biến nguy hiểm của bệnh dịch, đồng thời lo ngại bệnh có thể xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, các Viện phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm, đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế giám sát chặt những ca nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng.

Cúm A/H7N9 là virus có độc cao

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, các bệnh truyền nhiễm mới đang gây sự chú ý của người dân trên toàn thế giới. Đặc biệt là sau năm 2003, khi thế giới phải đương đầu với dịch SARS. Việt Nam là một trong những nước khống chế thành công dịch SARS. Trong những năm gần đây, nước ta phải đương đầu với dịch cúm A H5N1 diễn ra trên gia cầm. Việt Nam cũng là một trong những nước có số bệnh nhân mắc nhiều nhất và số ca tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới.

cum-a-h7n9.jpg

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm phòng cách ly đề phòng có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại sân bay quốc tế Nội Bài (Ảnh: TTXVN)

H7N9 cũng là một chủng cúm A. Trước đây, H7N9 chủ yếu gây bệnh cho chim và gia cầm nhưng không gây bệnh ở người. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2014, những ca bệnh đầu tiên đã xảy ra ở Trung Quốc. Diễn biến của người bị mắc cúm A/H7N9 diễn ra rất nhanh và nặng. Trong 10 trước hợp mắc bệnh thì có 5 trường hợp tử vong và những trường hợp còn lại vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Ông Nguyễn Văn Kính khẳng định, H7N9 là loại virus có độc cao, rất nguy hiểm tới tính mạng của con người.

Ngay sau khi có thông tin về cúm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng của ĐH Oxford trao đổi với các bác sĩ, những người trực tiếp liên quan đến việc xử lý, điểu trị cho những bệnh nhân bị mắc cúm A/H7N9 ở Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn về bệnh lâm sàng, đường lây truyền. Qua việc tìm hiểu này, Việt Nam sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng điều trị cho bệnh nhân nếu bị mắc cúm A/H7N9. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn rất ít những nghiên cứu về những ca bệnh mới này. Qua chụp X-Quang, những người mắc cúm A/H7N9 có diễn biến bệnh rất nhanh, cả hai bên phổi tổn thương rất nặng nề, các cơ và men gan tăng cao.

Trước những nguy cơ diễn biến của bệnh phức tạp và khó khăn như vậy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thông báo cho toàn cán bộ, công nhân viên được biết về nguy cơ có thể đột nhập của chủng virus H7N9 thông qua việc người dân Trung Quốc nhập cảnh sang Việt Nam.

Ngay trong chiều 4/4, Ban chỉ đạo phòng chống cúm quốc gia cũng đã tổ chức họp liên ngành để tiến hành chương trình hành động cũng như chủ động giám sát, phòng chống dịch cúm A/H7N9. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng đã trao đổi với Đại học Oxford để hỗ trợ cho công tác sàng lọc, chẩn đoán sớm những ca bệnh đầu tiên nếu như xảy ra ở phía Bắc Việt Nam. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị những dụng cụ thí nghiệm đầy đủ để giúp cho việc chẩn đoán, phòng chống dịch.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tăng cường sàng lọc và giám sát tất cả ca bệnh nghi ngờ cúm nhập viện. Mặt khác, Bệnh viện cũng thành lập những tổ, đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ cho các tuyến để có thể phát hiện và phòng chống dịch ngay tại chỗ. Bệnh viện cũng được Bộ Y tế giao cho nhiệm vụ sớm xây dựng phương pháp chẩn đoán, dự phòng chữa trị cho bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Để điều trị tốt cho bệnh nhân nếu mắc cúm A/H7N9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tăng cường kiểm tra trang thiết bị như: máy thở, máy lọc máu, thuốc men… Bên cạnh đó, bệnh viện cũng bố trí những khu cách ly bệnh nhân bị cúm A/H7N9 để điều trị cho phù hợp và tránh lây lan sang những bệnh nhân khác. Bệnh cũng chuẩn bị các trang thiết bị cho nhân viên y tế và thực hiện nghiêm ngặt công tác chống nhiễm khuẩn. Ngoài ra, bệnh viên cũng đưa những thông tin cập nhật về cúm A/H7N9 lên website của bệnh viện và Hội Truyền nhiễm Việt Nam để người dân được biết trong phòng, chống dịch.

Người dân cần chủ động phòng chống dịch

Ở Việt Nam, tập quán chăn nuôi và sử dụng thực phẩm từ gia cầm còn rất nhiều vấn đề bất cập. Việc chăn nuôi diễn ra nhỏ lẻ nên nhiều khi dịch bệnh xảy ra ở một nhóm gia cầm. Tuy nhiên, khi phát hiện ra dịch bệnh ở gia cầm thì người dân không thông báo cho các cơ quan chức năng biết để kịp thời xử lý. Nhiều người dân dù biết rằng, đàn gia cầm này ốm rồi nhưng vẫn ăn thịt. Đây là một thói quen không tốt.

Tiễn sĩ Nguyễn Văn Kính khuyến cáo người dân hãy tuân thủ những khuyến cáo của các nhà chuyên môn. Ví dụ như khi chăn nuôi thì người dân nên tập hợp lại với phương thức chăn nuôi để sản xuất hàng hóa. Phương thức này sẽ giúp chúng ta kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng cho gia cầm tốt hơn.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện việc ăn chín uống sôi, không nên ăn những thực phẩm chế biến từ gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện ra những dịch xảy ra trên gia cầm thì phải thông báo ngay với cơ quan thú y gần nhất và cán bộ y tế cơ sở để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Đặc biệt, khi người dân phát hiện có những triệu chứng biểu hiện của cúm như: sốt, chảy nước mũi, ho, viêm họng, khó thở, tức ngực thì cần đến ngay bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, một yếu tố đặc biệt là các cơ quan, ban ngành, đơn vị cần có sự phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền cho người dân hiểu cũng như cách thức phòng chống cúm A/H7N9, tránh để xảy ra hiện tượng hoang mang, lo lắng trong cộng đồng dân cư.

Hiện nay, Việt Nam chưa co vaccine phòng chống cúm A/H7N9 nên người dân có thể phòng chống dịch bệnh bằng những biện pháp hết sức bình thường như khi ho hay tiếp túc với người bị ho thì cần đeo khẩu trang, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, rửa tay khi nghi ngờ tiếp xúc với những mầm bệnh./.