Mấy ngày qua, hàng ngàn người từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê. Cũng chừng đó thời gian, các đội tình nguyện người Đà Nẵng trắng đêm trên đỉnh đèo Hải Vân đội mưa hỗ trợ đồng bào trên đường về quê tránh dịch. Những hộp cơm gà, bát súp cua nóng hổi, ổ bánh mỳ, bịch sữa, áo mưa...giúp họ tiếp tục hành trình trở về quê nhà an toàn.
Lúc 21h đêm 4/10, trên đỉnh đèo Hải Vân, nơi giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế mưa vẫn rả rích. Lần lượt hết đoàn này đến đoàn khác, hàng trăm xe máy dừng lại nghỉ ngơi. Mọi người được thành viên các nhóm thiện nguyện ở Đà Nẵng mời dùng bữa tối với hộp cơm nóng, hộp cháo thịt, sữa tươi, bánh mỳ...
Đoàn người về tới địa phận Đà Nẵng khi đã trải qua 2 ngày chạy xe máy trên đường, từ các tỉnh phía Nam đi qua các tỉnh Tây Nguyên rừng núi hiểm nguy. Trong số này không ít phụ nữ mang thai, có người vừa sinh con chưa tròn một tuổi. Ngồi bên vệ đường ăn vội hộp cơm nóng, Hồ Văn Hợp (17 tuổi) đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, ở tỉnh Quảng Trị cho biết, Hợp chạy xe máy từ Long An về đến đây là ngày thứ 4 rồi. 4 ngày qua, đây là miếng cơm đầu tiên đưa vào bụng nên ngon lắm.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hợp theo chân bạn bè vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Dịch bùng phát dữ dội, không có việc làm, không có tiền ăn, tiền trọ, Hợp hầu như chỉ ăn mỳ tôm cầm cự mấy tháng nay. Bây giờ, không trụ nổi tại phương Nam nên Hồ Văn Hợp cùng bạn bè trở về quê nhà.
“4 tháng chỉ có ăn mỳ gói thôi, còn xăng xe đi về họ cho. Vì hết tiền, 4 tháng chủ trọ cho ở không vừa cho ăn nữa. Xin về thấy test SARS-CoV-2 cũng không có tiền. Rồi họ cho test miễn phí cho về. 4 ngày rồi, mỗi ngày chỉ có 1 bữa thôi, ngày hôm nay là bữa đầu tiên đấy, ăn cơm với gà ngon”, anh Hơp nói.
Còn chị Võ Thị Thảo Uyên, 19 tuổi kể, quê ở tỉnh Hà Tĩnh, Uyên theo bố và anh trai vào Bình Dương làm công nhân. Dịch bệnh bùng phát, không thể ở lại được nữa nên 2 cha con em đành về quê. Suốt 2 ngày qua, 2 cha con đèo nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ. Trên đường đi, Uyên ôm chặt trong người chú gấu bông nhỏ đã úa màu cho đỡ lạnh. Thảo Uyên cho biết, do đi xe máy, không dám dừng lại khu dân cư nên 2 bố con toàn ăn bánh ngọt, nay mới có được ăn hộp cơm và bát súp nóng.
“Thực sự rất cảm động tại vì suốt dọc đường toàn ăn bánh ngọt, uống nước ngọt thôi chứ không có cơm. Giờ về đây được ăn cơm mà vừa ăn nước mắt cứ trào ra”, Uyên nói.
Suốt từ chập tối đến sáng, từ điểm dừng ở xã Đại Hiệp, tỉnh Quảng Nam, nơi giáp ranh với thành phố Đà Nẵng đến đỉnh đèo Hải Vân, hàng chục người trong các nhóm thiện nguyện chia nhau hỗ trợ đồng bào từ các tỉnh phía Nam về quê. Tại điểm dừng chân xã Đại Hiệp, Nhóm SOS Đại học Đông Á đã tiếp thêm xăng dầu, kiểm tra thay nhớt cho xe máy bị hỏng nhẹ, thay ruột xe... CLB xe bán tải Đà Nẵng hỗ trợ chở phụ nữ, trẻ em, người bị hỏng xe; rồi Nhóm Tình nguyện trẻ Đà Nẵng hỗ trợ lộ phí cho mọi người...
Tại điểm này, Nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh, chùa Quán Thế Âm chuẩn bị sẵn hàng ngàn ổ bánh mỳ chả, hàng trăm hộp cơm gà giúp mọi người ăn qua bữa khi dừng chân nghỉ lấy sức. Chị Nguyễn Thị Trà Liên, thành viên của nhóm thiện nguyện này chia sẻ, trời mưa lạnh nên ngoài chuẩn bị đồ ăn nóng, nhóm còn mua thêm áo mưa, khẩu trang để phát cho người trên đường về quê.
“Nhìn những cảnh người đi trên đường thì mình rưng rưng nước mắt, cho nên mình muốn gửi thêm 500 hộp súp bắp tôm cua muốn sưởi ấm trái tim của những người dân đi trên đường thôi chứ những cái này rất nhỏ. Mình chỉ muốn chia sẻ những nỗi khổ, những nhọc nhằn mà người dân quay về nhà”, chi Liên cho biết.
Từ sau ngày 30/9 đến nay, khoảng chục ngàn người từ các tỉnh phía Nam về một số tỉnh, thành phố phía Bắc đi qua tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Công ty Phúc Vạn Phúc luôn đồng hành với bà con. Anh Trương Vĩnh Phúc, Giám đốc Công ty cho biết, suốt 2 năm nay, đơn vị của anh luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân về quê mỗi khi bà con gặp khó.
Là Trưởng nhóm chương trình “Chuyến xe không đồng” chở miễn phí bệnh nhân về quê và hàng hóa phục vụ công tác chống dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Đà Nẵng, anh Trương Vĩnh Phúc tâm sự, mọi người đã thức trắng nhiều đêm để để hỗ trợ bà con về quê bằng xe máy an toàn.
“Bà con khó khăn người ta mới chọn cách về quê chứ không phải ai cũng muốn đi rất xa nên mình chọn những người này mình hỗ trợ thức ăn, xăng và những cấp thiết trên đường đi. Bên mình kết hợp với các đoàn từ thiện khác để hỗ trợ vì mình không thể đáp ứng ngàn mấy, hai ngàn và sắp tới đây là 3, 4 ngàn người ta về thì đường xa đi thì lương thực thực phẩm không đầy đủ. Nên mình cứ làm được gì mình làm, hỗ trợ được gì và các anh em các đội khác cũng có”, anh Phúc cho biết.
Từng đoàn người rời Hải Vân Quan khi mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Loang loáng ánh đèn pha xe máy, từ cây đèn pin đội trên đầu; xa xa những khuôn mặt mệt mỏi nhưng ẩn chưa niềm vui khi hành trình về quê ngắn dần. Mọi người cảm thấy ấm áp khi được bà con ven đường, các nhóm thiện nguyện quan tâm giúp đỡ đầy nghĩa tình đồng bào./.