Ông Lê Ngọc Phú, chủ tàu cá ở phường 2, TP. Mỹ Tho, (Tiền Giang) sau 3 tháng ra khơi mới đưa tàu về cập bến. Ông Phú cho biết, đánh bắt cá hiện nay gặp nhiều khó khăn do giá dầu tăng gấp 2 so năm ngoái. Để có thu nhập, ông vừa là chủ tàu vừa là tài công trực tiếp cùng ngư phủ ra biển, không để tàu nằm bờ. Sau 3 tháng bám biển, mỗi thuyền viên chỉ có thu nhập hơn 15 triệu đồng.
"Bây giờ đi tàu dầu đắt quá, chi phí lên gấp đôi. Trước đây, chi phí chỉ 100 triệu đồng bây giờ phải 200 triệu vì giá dầu tăng gấp 2 lần, bạn đi tàu lại khó kiếm. Lãi chỉ kiếm sống qua ngày, đi 3 tháng trời chỉ có mười mấy triệu đồng, tính ra làm trên bờ ngon hơn. Thời bây giờ đi biển khó ăn quá, mình vẫn chạy mới kiếm sống được. Nếu mình đậu tàu thì tiền bạc khi đã cho bạn mượn, tàu không chạy họ kiếm tàu khác đi mất bạn rồi mất tiền nữa", ông Phú nói.
Hiện nay, sau chuyến ra khơi, nhiều tàu khai thác biển của tỉnh Tiền Giang đang vào bờ nghỉ và chuẩn bị "hàng trang" cho đợt ra khơi tiếp theo. Trong bối cảnh khó khăn nhiều mặt, dù có lãi ít nhưng ngư dân vẫn vui. Tại cảng cá Mỹ Tho, mỗi ngày có trên dưới 10 tàu hậu cần nghề cá cặp bến với đầy ắp hải sản thu hút hàng trăm lao động. Mấy ngày này, do dội hàng, lượng hải sản vào nhiều nên giá sụt giảm. Những ngư dân làm nghề rỗi tức đi ra biển thu mua hải sản về bán thì bị thua lỗ. Bà Trần Thị Út, chủ của 5 tàu hậu cần nghề cá tại TP. Mỹ Tho cho biết, do giá cá biển sụt giảm mạnh nên đợt này đoàn tàu của gia đình bà không có lãi.
Bà Út tâm tư: "Mấy ngày nay ế lắm, cá vô toàn bán sỉ thôi không đủ phí nữa, giá giảm hơn 20% so với mấy tháng trước. Cá Tráo hiện tại bây giờ còn có hai mươi mấy nghìn đồng/kg, trước đây giá gần 40.000 đồng/kg. Lúc này đi thu mua về lỗ, toàn bộ các tàu rỗi (hậu cần nghề cá) lỗ hết luôn".
Gần đây, giá dầu tăng đột biến, các chi phí khác để ngư dân đi biển cũng tăng lên nhưng nhờ thời tiết thuận lợi, đánh bắt có năng suất nên phần đông ngư dân Tiền Giang vẫn khắc phục khó khăn để ra khơi, hy vọng chuyến đánh bắt cuối năm này trúng mùa.
"Giá cá biển có sụt nhưng không đến đổi gì mấy nhưng bạn hàng vắng vì cá nhiều lắm. Dầu lên thì ngư dân vẫn đi được thay vì lúc trước lãi 100% thì nay giảm còn 70%, mong rằng có cá, thuận nước, thuận gió thì làm có cá thôi”. Trăng này nói chung làm được, thời tiết ổn định", ông Hà Hữu Phương, chủ 5 ghe lưới đèn tại TP. Mỹ Tho cho biết.
Nghề khai thác biển không chì là con đường mưu sinh của ngư dân, mà còn để đảm bảo nguồn thực phẩm thiết yếu cho cộng đồng và góp phần bảo vệ vùng biển thiêng thiêng của Tổ quốc. Do đó, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngư dân tỉnh Tiền Giang vẫn quyết tâm ra khơi, bám biển, thể hiện tình yêu nghề, lòng thủy chung gắn bó muôn đời với biển khơi./.