Tại cuộc họp báo quý II của Thanh tra Chính phủ diễn ra sáng nay (16/7) ở Hà Nội, ngoài việc thông tin về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại tố cáo trong 6 tháng đầu năm nay, đại diện Thanh tra Chính phủ đã trả lời nhiều vấn đề dư luận quan tâm như: việc triển khai, thực hiện các kết luận thanh tra, trách nhiệm của người đứng đầu liên quan đến vi phạm về tham nhũng, kết luận thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)...

thanh_tra_1_xgwm.jpgPhó Tổng thanh Chính phủ Ngô Văn Khánh tại cuộc họp báo thường kỳ quý II

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Thanh tra Chính phủ phát hiện được nhiều sai phạm nhưng chuyển cơ quan điều tra ít, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng: Theo Điều 2 Luật Thanh tra quy định, khi phát hiện sơ hở, thiếu sót của đối tượng thanh tra thì Thanh tra Chính phủ sẽ đưa ra các kiến nghị sửa đổi, nhằm phòng ngừa cũng như xử lý các hành vi vi phạm… Trong đó xử lý cả về kinh tế, hành chính và có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan điều tra. Nếu tính tất cả các hình thức xử lý thì sẽ thấy hiệu quả của hoạt động thanh tra đúng với chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông Lượng cũng thừa nhận việc chuyển cơ quan điều tra chưa đáp ứng tình hình thực tế là do hoạt động thanh tra có thời hạn, thời hiệu, năng lực nghiệp vụ điều tra của thanh tra viên còn hạn chế…

Liên quan đến việc chậm ra kết luận thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết: Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ đã làm rõ 4 thiếu sót, vi phạm tại VCCI và cũng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể có liên quan. Cuộc thanh tra tại VCCI là hết sức khó khăn, bởi đây là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra một tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, cơ chế tài chính theo Thông tư 14 của Bộ Tài chính cho phép xúc tiến thương mại đầu tư có ngân sách nhà nước và có hạch toán như một đơn vị sự nghiệp có thu. Do đó, đoàn thanh tra gặp không ít khó khăn, cần có thời gian để rà soát, so sánh đối chiếu nhiều nguồn, nhiều đối tượng nhằm đảm bảo nội dung kết luận thanh tra chính xác, khách quan.

Trả lời các phóng viên về lý do tiến hành một số cuộc thanh tra đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh cho biết: “Thứ nhất, đây là những cuộc thanh tra nằm trong kế hoạch của Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, không có cuộc nào đột xuất, cũng không phải có vấn đề gì đặc biệt mà thanh tra, nhưng theo định hướng nhiệm vụ mà Chính phủ giao cũng như lĩnh vực mà chúng tôi lựa chọn để giúp Chính phủ đánh giá và thực hiện quản lý nhà nước tốt hơn tập đoàn, tổng công ty. Có thể nói đối với cuộc thanh tra đã có kết luận và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đều được đưa lên cổng thông tin, trừ những cuộc có nội dung bí mật nhà nước”.

Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị tham gia tiếp công dân, cũng như cơ chế giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với công tác tiếp công dân tại địa phương khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực, ông Nguyễn Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ tiếp dân và Xử lý đơn thư, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cho hay: “Trước đây khi thực hiện công tác tiếp công dân có việc giám sát, kiểm tra như thế nào thì không chỉ riêng ngành Thanh tra mà Thủ trưởng các cơ quan hành chính đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên hành lang pháp lý chưa đầy đủ, các quy định này được quy định rải rác ở luật khác ví dụ như Luật khiếu nại, Luật tố cáo. Tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ hướng dẫn các địa phương thành lập ban tiếp công dân tại địa phương. Công tác giám sát các Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo sẽ được tăng cường hơn".

Trong quý III/2014, Thanh tra Chính phủ dự kiến ban hành 10 kết luận thanh tra, trong đó có việc quản lý, sử dụng tài sản tại Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD); công tác quản lý đầu tư, xây dựng của UBND tỉnh Quảng Ninh, Lai Châu; việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản tại Tập đoàn Cao su Việt Nam.../.